Đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, giúp doanh nghiệp phát triển. Tại địa bàn tỉnh Sơn La, các doanh nghiệp luôn quan tâm triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa các sự cố trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bảo vệ tính mạng người lao động.
Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng I Sơn La có hơn 90 cán bộ, công nhân, làm việc ở 2 nhà máy gạch tuynel và nhà máy gạch không nung trên địa bàn huyện Mộc Châu. Công ty luôn quan tâm trang bị máy móc hiện đại; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các dây chuyền sản xuất gạch, đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh.
Tại Nhà máy gạch tuynel Mộc Châu, không khí lao động hăng say. Nhà máy gạch tuynel Mộc Châu được UBND tỉnh cấp phép hoạt động từ năm 2000, chuyên sản xuất, kinh doanh gạch đất sét nung làm vật liệu xây dựng thông thường, với quy mô công suất 10-15 triệu viên/năm.
Ông Ngô Gia Kiền, Giám đốc Nhà máy gạch tuynel Mộc Châu, cho biết: Hiện nay, nhà máy đang giải quyết việc làm cho 81 công nhân. Đảm bảo ATLĐ cho công nhân, 2 năm qua, nhà máy đã phối hợp Công ty cổ phần Đào tạo nhân lực Asean tổ chức 6 lớp tập huấn, huấn luyện về ATLĐ cho 81 người; trang bị bảo hộ lao động theo quy định, như: Quần áo, giầy, khẩu trang, găng tay, kính… cho 100% cán bộ quản lý và công nhân, lao động; định kỳ 6 tháng/lần, nhà máy tổ chức quan trắc môi trường, đảm bảo hoạt động kinh doanh không ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.
Hơn 7 năm làm công nhân tại Nhà máy gạch tuynel Mộc Châu, chị Hoàng Thị Hằng chia sẻ: Bản thân tôi luôn ý thức mình làm việc trong môi trường trực tiếp sản xuất nên luôn nghiêm túc chấp hành các quy định đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ mình và những người khác, hạn chế thấp nhất rủi ro trong sản xuất.
Trong quá trình sản xuất, Nhà máy gạch tuynel Mộc Châu chú trọng an toàn thiết bị máy móc, thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu và giảm tác động xấu đến môi trường như bụi, rác thải, tiếng ồn. Từ đầu năm đến nay, nhà máy đã sản xuất được 9 triệu viên gạch, sản phẩm của đơn vị sản xuất ra đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng từng loại sản phẩm theo QCVN 16:2019/BXD.
Còn tại Chi nhánh xăng dầu Sơn La, để bảo đảm an toàn lao động cho người lao động và tài sản của doanh nghiệp, Chi nhánh xây dựng quy trình làm việc an toàn, hiệu quả đạt chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN/ISO 9001:2008; theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện đảm bảo sức khỏe, an toàn, môi trường tại các bộ phận, các cửa hàng xăng dầu… Hằng năm, may đo, cấp phát 5 bộ quần áo bảo hộ, mũ, khẩu trang/công nhân viên, định mức khoảng 5 triệu đồng/người/năm. Đồng thời, theo dõi môi trường lao động, có biện pháp phòng chống, ngăn ngừa bệnh nghề nghiệp, cấp phát đầy đủ chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đường, sữa đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm độc hại; 100% người lao động được khám sức khỏe định kỳ.
Ông Trần Minh Hưng, Phó Giám đốc Chi nhánh xăng dầu Sơn La, cho biết: Hằng năm, Chi nhánh tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, đề ra các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động. Thực hiện quan trắc môi trường lao động, đánh giá yếu tố có hại ít nhất một lần trong một năm thông qua các đơn vị được bộ Y tế cấp phép theo quy định.
Từ năm 2023 đến nay,Cchi nhánh phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh tổ chức tập huấn cho 171 lao động, cấp giấy chứng nhận huấn luyện về nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; mua sắm trang thiết bị PCCC&CNCH thay thế cho các đơn vị theo định kỳ; kiểm tra việc PCCC theo chuyên đề tại các cửa hành kinh doanh xăng dầu; xây dựng lại phương án PCCC cho Petrolimex - Cửa hàng 206, 207, 210, 222, 223, 225, 226, 229, 230, 234 kinh doanh tổng hợp Phù Yên.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 3.500 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 75.413 tỷ đồng, các doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn lao động sản xuất, quan tâm đầu tư, xây dựng môi trường làm việc an toàn, góp phần đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho người lao động.
Tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 với chủ đề: “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Theo đó, các huyện, thành phố tăng cường, đa dạng hoá các hoạt động thông tin, truyền thông bằng các hình thức nhằm nâng cao nhận thức, ý thức về đảm bảo an toàn, sức khoẻ, tính mạng cho người lao động. Các đơn vị nâng cao chất lượng các hoạt động huấn luyện về ATLĐ, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động; tăng cường đối thoại, giải đáp chính sách, vướng mắc trong ATLĐ ở các cấp, trong các doanh nghiệp; rà soát, nhận diện, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATLĐ đặc biệt là trong các nhóm ngành, nghề, công việc có nguy cơ rủi ro cao như làm việc trên cao, hàn cắt, làm việc trong không gian hạn chế, trong xây dựng, khai khoáng, trong sử dụng điện…
Đẩy mạnh triển khai các chương trình hành động cụ thể về đảm bảo an toàn lao động, phòng ngừa tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ, giảm căng thẳng tại nơi làm việc, quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường làm việc an toàn - xanh - sạch - đẹp - thân thiện..., góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!