Mùa thu hoạch dong riềng tại huyện Phù Yên bắt đầu từ tháng 10 hằng năm, còn hoạt động chế biến tinh bột và sản xuất miến dong kéo dài nhiều tháng sau đó. Nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, nguồn nước tại các con suối và ổn định đời sống sinh hoạt của người dân, huyện Phù Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý, giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất không đảm bảo các quy định về môi trường.
Những niên vụ trước, huyện Phù Yên có 8 cơ sở sản xuất tinh bột dong, miến dong trên địa bàn các xã: Mường Lang, Huy Tân, Huy Thượng, Tường Thượng, Tân Lang. Đến nay, 4 cơ sở sản xuất không đủ điều kiện đã dừng hoạt động. Với 4 cơ sở còn lại, về cơ bản đã chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện thu gom nước thải, chất thải đảm bảo không có hiện tượng rò rỉ nước thải ra ngoài môi trường và được phép hoạt động.
Năm nay, trên địa bàn xã Tân Lang có 2 cơ sở sơ chế dong giềng được cấp phép hoạt động. Cơ sở sơ chế nông sản của ông Hà Văn Du, bản Diệt, xã Tân Lang có công suất sơ chế từ 7 - 8 tấn củ tươi/ngày, chủ yếu thu mua dong riềng từ người dân trên địa bàn và một số xã lân cận. Ông Du cho biết: Để bảo vệ môi trường, cơ sở đã chủ động đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng các ao chứa nước thải, hệ thống xử lý nước thải, đào ao lót bạt HDPE đạt đủ khối lượng chứa nước thải trong thời gian sản xuất, đảm bảo không xả thải ra môi trường. Để sản xuất ra 1 kg miến dong, lượng bã dong thải ra tương đối lớn với 9 - 10 kg tươi, nếu không khắc phục triệt để sẽ vẫn gây ô nhiễm. Vì vậy, cơ sở đã thu gom lượng bã dong rồi ủ làm phân bón cho cây trồng.
Niên vụ năm nay, sản lượng dong riềng trên địa bàn xã Tân Lang thấp do người dân chuyển đổi cây trồng khác, vì vậy, công suất hoạt động của các cơ sở không lớn. Từ tháng 11 đến nay, sản xuất không liên tục, cách 1 tuần mới có nguyên liệu sản xuất. Để đảm bảo môi trường trong sản xuất, chế biến nông sản, xã Tân Lang đã thường xuyên tuyên truyền về bảo vệ môi trường với các hộ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là 2 cơ sở chế biến dong riềng trên địa bàn. Giao cán bộ địa chính môi trường thường xuyên kiểm tra hiện trạng hệ thống xử lý nước thải; ký cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước giữa Chủ tịch UBND xã và các cơ sở sơ chế nông sản. Trong niên vụ, thường xuyên giám sát, hướng dẫn các cơ sở thực hiện nghiêm các quy định về sản xuất, bảo vệ môi trường, nguồn nước.
Còn tại cơ sở sản xuất miến dong Nhân Đức, bản Chài, xã Huy Thượng, anh Đinh Văn Đức, chủ cơ sở, cho biết: Bên cạnh việc sản xuất sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao, cơ sở còn đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho môi trường. Từ đầu năm 2020, cơ sở đã đầu tư hơn 100 triệu đồng, thuê đơn vị thiết kế xây dựng 3 ao chứa, xử lý nước thải; phủ bạt HDPE 2 lớp ở dưới đáy và phủ mặt, đảm bảo theo quy định. Hiện, sản phẩm miến dong của cơ sở được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh và được đánh giá đạt 3 sao vào cuối tháng 12/2020. Hằng năm, xuất ra thị trường hơn 40 tấn miến dong, doanh thu trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động, với mức thu nhập 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Ngay từ đầu năm, UBND huyện Phù Yên đã ban hành kế hoạch về quản lý, bảo vệ môi trường; tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đến cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bảo vệ môi trường và đại diện các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn. Trong tháng 5/2022, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã phối hợp với Công an huyện, UBND các xã rà soát, đánh giá sản lượng nông sản trên địa bàn, lập danh sách số lượng các cơ sở, hộ gia đình, hộ kinh doanh dự kiến tiến hành sơ chế nông sản niên vụ 2022 - 2023. Từ đó, giao UBND các xã tổ chức kiểm tra hiện trạng, đánh giá các điều kiện phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh với các cơ sở đăng ký sơ chế nông sản.
Đồng thời, huyện duy trì hoạt động của đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư, xây dụng, đất đai, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường đối với cơ sở chế biến nông sản và các cơ sở kinh doanh khác trên địa bàn huyện. Tiến hành kiểm tra các cơ sở chế biến dong riềng trên địa bàn, bao gồm cả các cơ sở mới thông báo dừng hoạt động trong năm 2022. Sau khi kiểm tra thực địa, đoàn công tác đã yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột sắn, dong riềng đã được UBND huyện cấp giấy phép kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường...
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do chế biến dong riềng gây ra, bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, các chủ cơ sở sản xuất chế biến dong riềng cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Có như vậy, việc chế biến dong riềng trên địa bàn huyện Phù Yên nói riêng và toàn tỉnh nói chung mới phát triển bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!