Thực phẩm trong trường học - Những vấn đề cần quan tâm

Hiện nay, tình trạng thực phẩm không an toàn tràn lan trên thị trường và rất khó kiểm soát. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học luôn được các phụ huynh hết sức quan tâm. Trong khuôn khổ bài viết này, PV đề cập đến việc cung cấp rau xanh cho các trường tiểu học có tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh trên địa bàn Thành phố.

Nhân viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Thành phố) chuẩn bị bữa ăn cho học sinh bán trú.

Trên địa bàn Thành phố hiện có 16 trường tiểu học, tổng số 9.166 học sinh, trong đó, 12 trường tổ chức nấu ăn bán trú, với khoảng 7.000 học sinh ăn bữa trưa tại trường. Việc các trường tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh đã đáp ứng được nguyện vọng của phụ huynh, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cũng như tạo nền nếp trong sinh hoạt và học tập cho học sinh.

Ông Trần Quốc Bình, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố, cho biết: Nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng tránh tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm, Phòng đã chỉ đạo các trường tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ từ hợp đồng các đơn vị, cá nhân cung cấp thực phẩm đến bảo quản, chế biến, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, cũng như lưu mẫu thức ăn sau chế biến theo đúng quy định. Trong mỗi năm học, Phòng đều cử cán bộ tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học có nấu ăn bán trú.

Qua khảo sát tại một số trường, tùy thuộc vào số lượng học sinh, trung bình mỗi trường tiêu thụ khoảng từ 40 kg đến 70 kg rau xanh/ngày. Nhìn chung các trường đều chấp hành tốt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. 100% trường nấu ăn bán trú đều có nhà bếp, khu chế biến thực phẩm tươi sống, dụng cụ để thức ăn bảo đảm vệ sinh, tủ lạnh lưu mẫu thức ăn, nhân viên phục vụ có hợp đồng và được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, do khó khăn về cơ sở vật chất, hầu hết các trường đều chưa có nhà ăn riêng, nên học sinh đều phải ăn ngay tại phòng học.

Bà Nguyễn Thị Quế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (phường Quyết Thắng) thông tin: Hằng năm, trước khi bước vào năm học mới, Ban Giám hiệu đều tổ chức họp với Ban đại diện Hội phụ huynh, đại diện bên cung cấp thực phẩm nói chung, rau xanh nói riêng để hợp đồng, cam kết thực phẩm phải rõ nguồn gốc và có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện nay có nhiều cơ sở sản xuất rau xanh bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó, trên địa bàn Thành phố có 2 cơ sở, gồm Tổ sản xuất rau an toàn tổ 7, phường Chiềng Sinh và HTX nông nghiệp xanh 26/3. Đây là 2 cơ sở áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP và đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có Trường tiểu học Ngọc Linh có hợp đồng trực tiếp với HTX nông nghiệp xanh 26/3 về cung cấp rau an toàn; Tổ sản xuất rau an toàn tổ 7, phường Chiềng Sinh cung cấp rau cho một số trường nhưng lại qua khâu trung gian là cá nhân và doanh nghiệp. Khi phóng viên tìm hiểu thực tế tại những nơi cung cấp nguồn rau xanh cho các nhà trường học thì được biết, những hợp đồng thông qua cá nhân cung cấp rau xanh cho các trường học đều lấy rau không thường xuyên, có thời điểm một tháng chỉ lấy mấy ngày, đặc biệt là vào những đợt giá các loại rau xanh trên thị trường xuống rất thấp. Trong khi đó, hằng ngày, các trường học vẫn có rau xanh trong thực đơn bữa ăn cho học sinh. Vậy, những cá nhân này đã lấy rau ở đâu cung cấp cho các trường học? Rau có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hay không? trong khi hợp đồng cam kết là cung cấp rau an toàn!

Trao đổi với ông Đỗ Tất Xá, đại diện Tổ sản xuất rau an toàn tổ 7 phường Chiềng Sinh, được biết, với diện tích 3 ha, cơ sở đang sản xuất các loại rau bắp cải, mùng tơi, cải mèo, cà chua, các loại bí, đậu... sản lượng hơn 100 tấn/năm. Nhưng đến nay, cơ sở vẫn chưa ký được hợp đồng trực tiếp cung cấp rau an toàn cho các trường học trên địa bàn Thành phố. Cũng qua trao đổi với một số hiệu trưởng của các trường tiểu học có nấu ăn bán trú, thì các trường cũng chưa biết đến các cơ sở sản xuất rau an toàn trên địa bàn Thành phố. Như vậy, do khâu tuyên truyền, xúc tiến giới thiệu sản phẩm của các cơ sở sản xuất chưa tốt, nên sản phẩm khi đến được các trường học phải qua khâu trung gian đã phát sinh thêm chi phí, mà chất lượng lại khó kiểm soát.

Với việc sử dụng các loại giống không rõ nguồn gốc, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng không đúng quy định trong canh tác rau như hiện nay thì nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm là rất lớn. Thiết nghĩ, các trường học nên tìm hiểu, hợp đồng trực tiếp với các cơ sở sản xuất rau an toàn, vừa tiết kiệm chi phí, đặc biệt là truy xuất đúng nguồn gốc, bảo đảm đúng chất lượng rau an toàn.

 
Cơ sở sản xuất rau an toàn trên địa bàn Thành phố:
- Tổ sản xuất rau an toàn, tổ 7 phường Chiềng Sinh. ĐT: 01267267303
- HTX nông nghiệp xanh 26/3, tổ 8 phường Chiềng Sinh. ĐT: 0915058766
Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Thời sự - Chính trị -
    Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia thảo luận tại tổ đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
  • 'Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Quốc phòng -
    Triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng đơn vị chính quy, rèn luyện kỷ luật, tạo sự chuyển biến vững chắc về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Châu đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện sát với tình hình của đơn vị, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, phong trào, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu”.
  • 'Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Kinh tế -
    Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau gần 15 năm triển khai đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn của mỗi người dân thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Ở tỉnh ta, Cuộc vận động được triển khai gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
  • 'Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    An toàn giao thông -
    Thành phố Sơn La có mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều, nhất là những tháng cuối năm, thời điểm các hộ kinh doanh tập trung vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Công an thành phố Sơn La đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
  • 'Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động trên vùng đất quần cư lâu đời của nhiều dân tộc, với sự đan xen, dung hòa các giá trị văn hóa đậm bản sắc, cùng nhiều di tích lịch sử, các nhà máy thủy điện và vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, hội viên Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Mường La đã có nhiều tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, giới thiệu hình ảnh quê hương Mường La với bạn bè trong và ngoài tỉnh.