Tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, huyện Phù Yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm; vận động các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm; khuyến khích xây dựng chuỗi sản xuất gắn với chuỗi cửa hàng tiêu thụ, chế biến thực phẩm sạch, an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

 

 

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Phù Yên test nhanh mẫu rượu tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

 

Bà Hà Thị Khoán, Phó Trưởng phòng Y tế huyện cho biết: Phù Yên hiện có trên 1.060 cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm. Tăng cường giám sát, kiểm tra an toàn thực phẩm, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo từ huyện đến xã, thị trấn; chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của cấp trên; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; tăng cường quản lý chặt chẽ việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất dùng trong nuôi trồng; kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc chế biến thực phẩm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, hạn chế đến mức thấp nhất ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. 9 tháng qua, đã kiểm tra hơn 600 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh; trong đó, xử lý 9 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm. Các lỗi vi phạm chủ yếu là hàng hết hạn sử dụng ghi trên bao bì, các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chế biến; xét nghiệm 44 mẫu thực phẩm, kết quả 100% các mẫu đều đạt tiêu chuẩn. Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hơn 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh.

 

Trao đổi với anh Đặng Văn Hóa, chủ nhà hàng Hà Hóa, tiểu khu 1, thị trấn Phù Yên được biết, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống nên khâu an toàn thực phẩm luôn được chú trọng. Đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, anh đã liên kết với một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ký hợp đồng với đơn vị chức năng tổ chức huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cá nhân tham gia chế biến thực phẩm. Cùng với đó, hoàn thiện đầy đủ thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ và thuyết minh quy trình chế biến... làm cơ sở xác nhận cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trong quá trình hoạt động, thường xuyên có cán bộ của các cơ quan chức năng của huyện đến tuyên truyền, kiểm tra và text nhanh các mẫu thực phẩm.

 

Không chỉ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tại các bếp ăn tập thể, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng luôn được chú trọng, đặc biệt là các bếp ăn của 34 trường tổ chức nấu ăn bán trú cho hơn 8.000 học sinh trên địa bàn huyện. Theo ghi nhận tại các trường học trên địa bàn, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện theo quy định. Các trường tổ chức nấu ăn bán trú đã ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp thực phẩm có giấy đăng ký kinh doanh, được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh ATTP để nhập nguyên liệu thực phẩm hằng ngày; giám sát, kiểm tra chặt chẽ từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến thực phẩm; lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định; nhân viên nấu ăn được tham gia các lớp tập huấn an toàn thực phẩm... Do làm tốt công tác quản lý, các bếp ăn tập thể trong các trường học không xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo bà Hà Thị Khoán, khó khăn hiện nay trong thực hiện công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn là, mặc dù đã có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự tổ chức xác nhận kiến thức ATVSTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018, nhưng nhiều cơ sở chưa nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước, do đó còn lúng túng trong khâu thực hiện. Việc tự công bố sản phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa được chủ các cơ sở chú trọng thực hiện trong khâu lấy mẫu sản phẩm đem đi kiểm nghiệm tại các đơn vị có chức năng giám định, kiểm nghiệm. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng còn chủ quan khi sử dụng thực phẩm, nguy cơ nhiễm bệnh, ngộ độc thực phẩm còn cao.

 

Thời gian tới, huyện Phù Yên tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức kinh doanh của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng; xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, nhập lậu, kém chất lượng, quá hạn sử dụng; ngăn chặn gian lận thương mại trong lưu thông thực phẩm...; góp phần đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới