Những năm qua, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện Sông Mã đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm; xây dựng chuỗi sản xuất gắn với chuỗi cửa hàng tiêu thụ, chế biến thực phẩm sạch... góp phần hạn chế nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bác sỹ chuyên khoa II, Đặng Huy Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, thông tin: Trên địa bàn huyện có 3.288 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể. Trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo ATTP huyện; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP dịp tết và mùa lễ hội. Các thành viên Ban chỉ đạo đã tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức kinh doanh của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2023, Trung tâm phối hợp với các đoàn thể của huyện tổ chức 2 buổi nói chuyện chuyên đề về ATTP; tổ chức 1 lớp tập huấn nghiệp vụ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến thực phẩm. Các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã kiểm tra 302 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua kiểm tra, phát hiện 12 cơ sở vi phạm; xử phạt hành chính, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 64 triệu đồng.
Bà Trần Thị Dinh chủ nhà hàng ăn uống Dinh Tam, thị trấn Sông Mã, cho biết: Chúng tôi chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ tại khu vực chế biến và khu vực phòng ăn. Thực phẩm được nhà hàng lựa chọn đảm bảo nguồn gốc; khu vực chế biến luôn vệ sinh sạch sẽ; việc bảo quản, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Trong quá trình chế biến thực phẩm, nhân viene luôn đeo tạp dề, găng tay nilon, khẩu trang y tế. Các cơ quan chức năng cử cán bộ thường xuyên đến tuyên truyền, kiểm tra các mẫu thực phẩm.
Hiện nay, các trường học trong huyện đang tổ chức nấu ăn bán trú cho 4.416 học sinh. Các trường tổ chức nấu ăn bán trú đã ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp thực phẩm có giấy đăng ký kinh doanh, được cấp giấy chứng nhận đảm bảo ATTP để nhập nguyên liệu thực phẩm hằng ngày. Đồng thời, giám sát, kiểm tra chặt chẽ từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến thực phẩm; nhân viên được tham gia các lớp tập... Do làm tốt việc quản lý, thời gian qua, các bếp ăn tập thể trong trường học không xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Thầy giáo Chu Tuấn Long, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS & THPT Sông Mã cho biết: Trường có 14 lớp, trong đó, 8 lớp cấp THCS và 6 lớp THPT, với tổng số 483 học sinh. Nhằm hạn chế tình trạng thực phẩm không đảm bảo ATTP, nhà trường thường xuyên với hội cha mẹ học sinh kiểm tra đột xuất nguồn gốc thực phẩm, khâu vệ sinh, chất lượng bữa ăn cho học sinh. Thực hiện nghiêm quy trình bếp ăn một chiều.
Đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhân dân trên địa bàn huyện Sông Mã ngày càng nhận thức được tầm quan trọng khi lựa chọn những mặt hàng thực phẩm phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Chị Lò Thị Yên, xã Chiềng Cang chia sẻ: Tôi thường lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Quá trình chế biến thức ăn, không để thực phẩm sống lẫn thực phẩm chín; giữ bếp, dụng cụ chế biến sạch sẽ; sử dụng nguồn nước sạch; đảm bảo ăn chín, uống sôi.
Cùng với tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về vệ sinh ATTP, huyện Sông Mã tiếp tục chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP cho người hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!