An toàn thực phẩm - mối quan tâm hàng đầu của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 được triển khai từ ngày 15/4 đến ngày 15/5 với chủ đề “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất kinh doanh và quảng cáo thực phẩm”, nhằm tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, kém chất lượng; tăng cường chăm sóc dinh dưỡng, góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Những năm gần đây, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã có những chuyển biến rõ rệt; bước đầu đã hình thành và duy trì các chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; nhận thức về an toàn thực phẩm được nâng lên từ người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn ở mức cao; hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Năm 2019, toàn tỉnh đã thực hiện trên 9.000 lượt thanh tra, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó, đã có trên 2.000 lượt cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định, xử lý 920 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt trên 2 tỷ đồng. Việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư vẫn gặp khó khăn; thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn còn nhiều; tỷ lệ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn cao hơn các nước trong khu vực. Việc ngăn ngừa thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả còn hạn chế. Việc kinh doanh quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm pháp luật, đặc biệt là trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền về an toàn thực phẩm còn có phần hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chưa cao, chạy theo lợi nhuận, cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng; công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm chưa thường xuyên, liên tục.

 

Chính vì vậy, Tháng hành động an toàn thức phẩm ngoài việc duy trì các hoạt động bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm còn là dịp đẩy mạnh chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, giảm thiểu các hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc. Gắn trách nhiệm của UBND các cấp trong việc chỉ đạo và bố trí nguồn lực kết hợp triển khai giữa công tác phòng, chống dịch COVID-19 với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

 

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị -xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp tham gia chiến dịch truyền thông về an toàn thực phẩm. Tổ chức tuyên truyền kiến thức, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả hệ thống loa truyền thanh ở xã, phường, thị trấn, tổ bản, tiểu khu. Cảnh báo đến người tiêu dùng những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản của địa phương. Công khai các cơ sở, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh báo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm ở tất cả các địa bàn, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các mặt hàng thực phẩm lưu thông tại các chợ đầu mối. Chú trọng kiểm tra giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhãn sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu... Những cơ sở vi phạm về ATTP cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 

Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể, đảm bảo cho cơ thể hoạt động và làm việc hiệu quả. Song, đó cũng là nguồn gây bệnh tiềm ẩn khi thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh. Do vậy, đảm bảo vệ sinh ATTP có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của cả cộng đồng. Việc đảm bảo vệ sinh ATTP không chỉ riêng trong lĩnh vực quản lý của ngành chức năng, mà đòi hỏi các nhà sản xuất thực phẩm phải có lương tâm và mỗi người tiêu dùng phải thông thái trong lựa chọn sản phẩm. Hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, các tổ chức, cá nhân hãy tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; hiểu đúng, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới