Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Sức lôi cuốn hấp dẫn điệu xòe Thái

Nói đến những điệu múa truyền thống của các dân tộc ở Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng, xòe Thái giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào và có sức lôi cuốn hấp dẫn, khả năng gắn kết mạnh mẽ trong cộng đồng. Hiện nay, xòe Thái được phổ biến rộng rãi và là một phần không thể thiếu tạo nên sự gắn kết sôi động trong các sự kiện văn hóa – du lịch.  

Giọng nữ

Đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La có các điệu xòe cổ có từ lâu đời, là những điệu múa, động tác đơn giản nhưng uyển chuyển, nhịp nhàng, phản ánh sinh động về sinh hoạt, lao động sản xuất thường ngày của đồng bào vùng cao. Những điệu xòe cổ, như: “Khắm khăn mời lẩu” (nâng khăn mời rượu); “Phá xí” (bổ bốn); “đổn hôn” (tiến lùi); “Nhôm khăn” (tung khăn); “Ỏm lọm tốp mứ” (vòng tròn vỗ tay); “khắm khen” (tức là nắm tay)… 

Người Thái ở huyện Quỳnh Nhai giữ điệu xòe cổ. 

Là người am hiểu về các điệu múa dân gian dân tộc và có niềm say mê đặc biệt với nghệ thuật trình diễn truyền thống, bà Lù Thúy Vinh, phường Chiềng An, Thành phố, nói: Với đồng bào Thái, cứ mỗi khi tiếng trống, tiếng chiêng vang lên là người người lại như được thôi thúc, dẫn bước vào vòng xòe, không kể già trẻ, gái trai, dân tộc. Vòng xòe cứ thế nối rộng, mọi người nắm tay nhau hòa vào không khí thắm tình đoàn kết. Bởi thế, điệu xòe không thể thiếu trong bất cứ hoạt động cộng đồng nào của bản làng, giúp gắn kết người với người.

Điệu xòe không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Thái.

Nói về xòe Thái trong đời sống hiện đại ngày nay, bà Lù Thúy Vinh, chia sẻ thêm: Xòe Thái có nhiều điệu, động tác và di chuyển linh hoạt nên có thể sáng tạo, phát triển kết hợp với âm nhạc hiện đại mang âm hưởng dân tộc thành những màn biểu diễn đặc sắc, trình diễn dân vũ ấn tượng. Xòe Thái dễ học, dễ nhớ và dễ bắt nhịp nên ai cũng có thể học được, ai cũng có thể hòa chung vào vòng xòe nên điệu múa này có tính kết nối cao.

Vòng xòe tại Quảng trường Tây Bắc.

Với tính phổ biến cao, xòe Thái xuất hiện thường xuyên trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các sự kiện du lịch lớn nhỏ được các cấp tổ chức. Vòng xòe đoàn kết luôn là phần để kết thúc mỗi hoạt động, sự kiện. Vòng xòe nối rộng trong ánh lửa bập bùng cháy là hình ảnh quen thuộc trong mỗi đêm hội. Trong tiếng trống, chiêng ngân vang, tiếng nhạc rộn ràng, vòng xòe cứ thế nối rộng, những cái nắm tay thật chặt kết nối người xa lạ thành thân quen, những bước chân nhịp nhàng cùng với tiếng cười tươi vui khiến mọi người xích lại gần nhau hơn. Điệu xòe cũng tự nhiên trở thành hoạt động tập thể không thể thiếu phục vụ du khách tại các điểm khu, điểm du lịch của tỉnh, các bản du lịch cộng đồng hay các cuộc dã ngoại, những buổi team building ở những khu nghỉ dưỡng sinh thái, cắm trại ngoài trời.

Điệu xòe bên sông Đà.

Từng nhiều lần đến Sơn La du lịch kết hợp với công việc, anh Lê Công Thảo, du khách đến từ tỉnh Bình Định, hào hứng chia sẻ: Điều tôi đặc biệt ấn tượng khi đến Sơn La là văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc bản địa. Đặc biệt là các sự kiện, lễ hội sôi động được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, nhất là các hoạt động tập thể, múa xòe, múa vũ điệu kết đoàn. Khi tiếng nhạc cất lên, tất cả mọi người cùng hòa chung vào vòng xòe, không khí vô cùng sôi động, lôi cuốn, ai cũng vui vẻ, phấn khởi, quên hết mọi ưu phiền, mệt mỏi.

Giới trẻ sáng tạo với trình diễn xòe Thái.

Xòe Thái trong đời sống hiện đại ngày nay còn được phát triển, cải biên, kết hợp với âm nhạc hiện đại thành những màn biểu diễn dân vũ đặc sắc, trình diễn cộng đồng. Tại Lễ hội hoa Ban thành phố Sơn La, phần thi trình diễn xòe Thái trở thành điểm nhấn đặc sắc của lễ hội, thu hút đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ. Các đội thi đã mang đến những màn trình diễn ấn tượng, được dàn dựng công phu, có sự kết hợp sáng tạo giữa truyền thống và hiện đại, có sự tham gia của nhiều thành phần, lứa tuổi. Qua đó, gắn kết, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tìm hiểu, gìn giữ điệu xòe Thái.

Thi trình diễn xòe Thái tại thành phố Sơn La.

Chị Quàng Thị Biêng, phường Chiềng Sinh, Thành phố, nói: Là người con dân tộc Thái, tôi rất vui và tự hào khi nghệ thuật xòe Thái được tôn vinh và thường xuyên được trình diễn trước cộng đồng. Tôi cũng vinh dự khi nhiều lần được tham gia các hội diễn, chương trình trình diễn nghệ thuật xòe Thái tại Quảng trường Tây Bắc.

Phụ nữ Thái duyên dáng trong điệu múa xòe được sáng tạo trình diễn trước cộng đồng.

Nghệ thuật xòe Thái thường xuyên được tái hiện, trình diễn với quy mô lớn. Trong đó, có thể kể đến các sự kiện, như: Lễ vinh danh “Nghệ thuật xòe Thái” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và bế mạc Liên hoan “Nghệ thuật Xòe Thái” tỉnh Sơn La năm 2022 với sự tham gia của hơn 500 diễn viên, nghệ nhân trên địa bàn tỉnh; màn đại xòe với sự tham gia của hơn 1.000 người tại Quảng trường Tây Bắc chào đón Hoa hậu Du lịch Thế giới 2022; hàng nghìn người tham gia vòng xòe đoàn kết tại “Hội xuân dâng Bác” do thành phố Sơn La tổ chức mỗi dịp đầu năm mới; Lễ hội xòe Thái lần thứ nhất, năm 2024 của xã Mường Khoa, Bắc Yên với sự tham gia của 500 nghệ nhân, diễn viên quần chúng...

Vòng xòe đoàn kết tại Hội xuân dâng Bác thành phố Sơn La năm 2025.

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Để bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái, ngành tiếp tục tham mưu với tỉnh chỉ đạo thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng di sản; tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu về “Nghệ thuật xòe Thái”; phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian và thành viên cộng đồng am hiểu xòe Thái để trao truyền, thực hành. Cùng với đó, mở các lớp tập huấn truyền dạy về dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc nói chung, trong đó có xoè Thái; khuyến khích đội ngũ nghệ sĩ tăng cường nghiên cứu, sử dụng chất liệu dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc trong sáng tác các tác phẩm nghệ thuật ca, múa, nhạc mới… nhằm phát huy, phát triển di sản văn hóa độc đáo các dân tộc trong các loại hình nghệ thuật hiện đại, đương đại.

Du khách tham gia nhảy sạp, múa xòe tại Phố đi bộ - Chợ đêm Mộc Châu.

“Nghệ thuật xòe Thái” - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vẫn luôn có sức sống bền vững với thời gian, phát triển cùng với nghệ thuật đương đại. Vòng xòe đoàn kết, điệu xòe thương nhau sẽ vẫn theo cùng thời đại, làm giàu đẹp thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Thái và người dân Sơn La. 

Thanh Đào, Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Hoạt động tín dụng chính sách ổn định, thông suốt sau sáp nhập

    Hoạt động tín dụng chính sách ổn định, thông suốt sau sáp nhập

    Kinh tế -
    Ngay sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Sơn La còn 75 đơn vị cấp xã đi vào hoạt động, hệ thống ngân hàng chính sách xã hội đã kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp, bảo đảm dòng vốn tín dụng chính sách tiếp tục vận hành thông suốt, ổn định, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn.
  • 'Quyết định số 1568/QĐ-UBND

    Quyết định số 1568/QĐ-UBND

    INFOGRAPHIC -
    Ngày 27/6/2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 1568/QĐ-UBND về việc công bố danh mục thủ tục hành chính và phê duyệt quy trình giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực Lâm nghiệp và Kiểm lâm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Nông nghiệp và Môi trường.
  • '“Lá chắn” bảo vệ thương hiệu sản phẩm

    “Lá chắn” bảo vệ thương hiệu sản phẩm

    Kinh tế -
    Trong xu thế hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc xây dựng và đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn, không chỉ nâng cao giá trị hàng hóa mà còn là “lá chắn” bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trước nguy cơ xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tại tỉnh Sơn La, các đề án hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế hàng Việt trên thị trường trong và ngoài nước.
  • 'Vai trò người có uy tín nơi biên giới

    Vai trò người có uy tín nơi biên giới

    Gương sáng bản làng -
    Bằng uy tín và trách nhiệm, ông Tráng Vạ Đế, người có uy tín của bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập luôn cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới.
  • 'Bắt nhịp nhanh vận hành mô hình mới

    Bắt nhịp nhanh vận hành mô hình mới

    Xã hội -
    Ghi nhận những ngày đầu tiên vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp ở phường Mộc Sơn, không khí làm việc diễn ra khẩn trương, nghiêm túc; đội ngũ cán bộ, công chức tích cực bắt nhịp công việc, được nhân dân đánh giá cao về tinh thần phục vụ chu đáo, tận tình.
  • 'Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

    Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

    Kinh tế -
    Hiện nay, toàn tỉnh có 170.845 hội viên nông dân, sinh hoạt tại 2.191 chi hội. Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân tỉnh (nay là Ban Công tác nông dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) tập trung hỗ trợ kỹ thuật, giống cây, vật nuôi, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, là cầu nối tin cậy, giúp hội viên chuyển đổi sản xuất, xóa đói giảm nghèo bền vững.
  • 'Nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú

    Nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú

    Du lịch -
    Với sự phát triển của ngành du lịch, hệ thống các dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh không ngừng mở rộng về quy mô; đa dạng về loại hình phù hợp với đặc thù, tiềm năng của từng địa phương; chất lượng ngày một nâng cao, tạo ấn tượng tích cực và thu hút du khách.
  • 'Kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh

    Kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh

    Sức khỏe -
    Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh luôn chủ động phòng, chống, giám sát và kiểm soát chặt chẽ, không để lây lan dịch bệnh trên địa bàn; chú trọng tiêm chủng mở rộng... góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.