Múa sạp, nhảy sạp là hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong các dịp lễ hội, tết cổ truyền, của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống, được đồng bào Thái giữ gìn và phát huy, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, gắn kết cộng đồng.
Để múa sạp, trước tiên cần chuẩn bị các đạo cụ cần thiết, như: Một đôi sạp cái (2 cây tre to dài và thẳng), 5 đôi sạp con (cây tre thẳng có đường kính bé hơn sạp cái và kích thước đều nhau, chiều dài từ 3-4m). Sau đó, đặt hai sạp cái cách nhau một khoảng cách nhất định, đặt các cây sạp con lên sạp cái và để song song với nhau thành một dàn sạp. Khoảng cách giữa các đôi sạp con từ 15-20cm, đảm bảo thuận tiện cho người gõ sạp và giúp người nhảy được dễ dàng hơn.
Đội múa sạp được chia làm 2 nhóm, một nhóm thực hiện nhiệm vụ gõ sạp và một nhóm nhảy sạp. Nhóm gõ sạp sẽ gõ theo nhịp, cứ 2 lần gõ sạp lên thì một lần gõ hai sạp con vào nhau, tạo ra âm thanh rộn ràng. Người gõ sạp phải gõ đều tay, ban đầu gõ tốc độ vừa phải, càng về sau thì gõ tốc độ nhanh hơn để tăng độ khó cho người nhảy. Lần lượt từng đôi trai gái vào dàn sạp, cầm tay nhau và nhảy theo nhịp sạp. Khi nhảy cần khéo léo theo nhịp gõ, nếu không sẽ bị sạp kẹp chân.
Để múa sạp thêm đặc sắc, các cô gái cầm thêm quạt hoặc khăn piêu, vừa nhảy vừa múa nhịp nhàng. Động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển, đội hình múa lúc nhảy dọc, nhảy ngang, chéo, tạo hình vòng tròn trên dàn sạp. Tiếng nhạc, tiếng sạp, cùng bước chân hòa quyện tạo không khí náo nức, vui tươi, đây cũng là dịp để các chàng trai, cô gái Thái tìm hiểu, giao duyên.
Bà Vì Thị Nưa, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, cho biết: Trước đây, múa sạp không có nhạc nền, chỉ có tiếng gõ sạp cùng với người nhảy hát những nốt nhạc đặc trưng của bài múa sạp là “Sòn sòn sòn đô sòn, sòn sòn sòn đô rê…”. Ngày nay, xã hội phát triển, múa sạp được kết hợp thêm nhiều loại nhạc nền phong phú, tạo không khí vui tươi, sôi động và thu hút mọi người cùng nắm tay nhau tham gia nhảy sạp. Không phân biệt già, trẻ, trai, gái, dân tộc, múa sạp góp phần đưa mọi người đến gần nhau hơn, tạo tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.
Những năm gần đây, vào các dịp lễ hội đầu xuân, các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thu hút du khách đến tham gia, trải nghiệm và vui xuân, trong đó không thể thiếu một dàn sạp. Các trường học còn tổ chức hội thi, hoạt động giao lưu múa sạp trong các buổi ngoại khóa, hoạt động hưởng ứng các ngày lễ, tết…, góp phần bảo tồn điệu múa sạp truyền thống.
Anh Nguyễn Minh Tài, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Lần đầu đến với Sơn La vào đầu xuân năm nay, tôi có cơ hội được trải nghiệm nhảy sạp của đồng bào dân tộc Thái. Ban đầu mới nhảy, do không hiểu quy luật, nên tôi bị sạp kẹp chân. Được các bạn nhảy hướng dẫn, biết nhảy, tôi rất hào hứng. Tôi thấy đây là một hoạt động văn hóa rất hay và ấn tượng.
Em Dạ Công Chính, học sinh Trường PTDT Nội trú tỉnh, cho biết: Đoàn trường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc giúp em có cơ hội được tham gia nhảy sạp. Hiện nay, em là thành viên của đội văn nghệ nhà trường, chúng em đang tích cực luyện tập các tiết mục văn nghệ, trong đó có cả múa sạp để biểu diễn trong dịp 26/3 sắp tới.
Đến với Sơn La, du khách sẽ được hòa mình vào những lễ hội mang bản sắc văn hóa; thưởng thức các món ăn dân tộc; nhâm nhi bên chum rượu cần và đắm say trong điệu múa xoè, múa sạp thật khó quên.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!