Người cao tuổi trong gìn giữ văn hóa dân tộc

Với kinh nghiệm sống, sự am hiểu về lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương, những người cao tuổi trên địa bàn huyện Sông Mã luôn đảm nhiệm vị trí tổ chức, thực hành các nghi lễ, tham gia phục dựng, biểu diễn văn nghệ tại các lễ hội, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Giọng nữ

Thành lập năm 2012, Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa người cao tuổi bản Chiềng Cang, xã Chiềng Cang hiện có 14 thành viên, với 100% hội viên người cao tuổi. CLB duy trì sinh hoạt tổ chức tập luyện văn nghệ hàng tuần; biểu diễn các loại nhạc cụ, trình diễn các làn điệu dân ca; kể các câu truyện cổ, trường ca của người Thái. Lợi thế của CLB là có nhiều người cao tuổi trong bản cùng tham gia sinh hoạt, am hiểu về văn hóa dân tộc Thái, thuộc nhiều điệu múa truyền thống.

Bà Lò Thị Ong, Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: Các thành viên tự nguyện đóng góp kinh phí mua sắm trang phục và nhạc cụ. Chúng tôi thường xuyên tham gia biểu diễn tại các dịp lễ hội, hội diễn văn hóa, văn nghệ do huyện, xã, bản tổ chức. Đồng thời, tổ chức truyền dạy các điệu múa, hát thái, thổi khèn, thêu khăn Piêu... cho thanh niên và học sinh trong xã.

CLB Văn hóa người cao tuổi bản Chiềng Cang, huyện Sông Mã thường xuyên tập luyện. 

 Xã Huổi Một có các dân tộc Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú cùng sinh sống. Nhiều năm trở lại đây, đời sống của nhân dân có nhiều đổi thay, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân quan tâm. Hiện nay, xã có nhiều người cao tuổi am hiểu văn hóa Thái, Mông, Khơ Mú và nỗ lực lưu truyền, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình, như: Ông Lường Tộ sưu tầm, truyền dạy chữ Thái; ông Lầu Bả Vự, bản Khua Họ bảo tồn văn hóa dân tộc Mông. Xã có 1 CLB văn hóa, văn nghệ người cao tuổi, luôn duy trì tập luyện thường xuyên; bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội, văn hóa truyền thống, như: Lễ hội xên bản, xên mường, cầu mưa; Lễ hội gầu tào; các làn điệu dân ca, múa xòe; gìn giữ những nếp nhà sàn truyền thống; duy trì nghề dệt thổ cẩm, trò chơi dân gian, ẩm thực dân tộc; trang phục truyền thống.

Ông Lường Tộ (người thứ ba từ bên phải sang) cùng với lớp học tiếng Thái
Nguyễn Mỹ (CTV)

Ông Lường Tộ, 76 tuổi, bản Năng Cẩu, xã Huổi Một, cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất Huổi Một, người Thái ở đây chiếm trên 70% dân số, nhưng người có thể viết, đọc được chữ Thái thì ít. Tôi sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ nhiều tư liệu về văn hóa dân tộc Thái và mở nhiều lớp truyền dạy chữ Thái miễn phí cho bà con trong xã và vùng lân cận. Cuối năm 2024, tôi tham gia mở lớp dạy học chữ Thái tại thị trấn Sông Mã, với 30 học viên đến từ các xã: Nà Nghịu, Huổi Một, Chiềng Cang và thị trấn tham gia.

Một buổi tập luyện của đội văn nghệ người cao tuổi bản Mường Cang, xã Mường Lầm, huyện Sông Mã.

 Huyện Sông Mã có 6 dân tộc sinh sống, trong đó, dân tộc Thái chiếm trên 70% dân số của huyện và sống tập trung chủ yếu ở các xã dọc bờ sông Mã và vùng thấp, như: Mường Hung, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Chiềng Khương, Chiềng Sơ, Nậm Ty, Yên Hưng, Nà Nghịu. Đồng bào dân tộc Mông, Sinh Mun, Khơ Mú, Kháng cư trú trên núi cao và ở dọc biên giới. Mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán, nét đặc sắc riêng về văn hoá. Tuy nhiên, ở một số địa phương, bản sắc văn hóa có nguy cơ bị mai một, do sự ảnh hưởng của lối sống hiện đại. Đứng trước thực trạng đó, những người cao tuổi tâm huyết với văn hóa dân tộc ở các địa phương trên địa bàn huyện đã tập hợp thành lập các đội văn nghệ, CLB giữ gìn bản sắc văn hoá để khôi phục, duy trì tiếng hát, điệu múa, tiếng nói, trang phục… truyền thống của dân tộc.

Ông Quàng Văn Tiện, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Sông Mã, cho biết: Toàn huyện hiện có 79 CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, với trên 2.000 người cao tuổi tham gia. Việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện luôn được người cao tuổi quan tâm. Hội tích cực vận động lớp trẻ thành lập các câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ ở bản, tổ dân phố; khôi phục và duy trì tiếng hát, tiếng nói, trang phục để truyền dạy cho con cháu; nhiều người cao tuổi còn đảm nhiệm vai trò quan trọng trong các ban nghi lễ tại các lễ hội, các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, góp phần giữ gìn những phong tục tốt đẹp của dân tộc.

Người cao tuổi thực hiện nghi thức cúng cầu mùa tại Lễ hội Cầu mùa xã Chiềng Cang năm 2024.

 Đến Sông Mã vào mỗi dịp lễ hội truyền thống, như: Đền thờ Hai Bà Trưng, xã Chiềng Khương; Mừng cơm mới và Xên bản tại xã Nà Nghịu; Lễ dâng hương và Hội đua thuyền tại xã Mường Hung; Lễ hội cầu mùa, xã Chiềng Cang; Lễ hội Gầu tào - Pó pao (Chơi ngoài trời - ném pao), xã Huổi Một… đều dễ dàng nhận thấy hình ảnh người cao tuổi địa phương tham gia thực hành các nghi lễ, phục dựng, đảm nhận nhiều phần việc quan trọng góp phần tái hiện đầy đủ, đậm nét đặc trưng văn hóa lâu đời của các dân tộc.

Ông Lò Văn Nghiệp, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, chia sẻ: Với người cao tuổi, gìn giữ văn hóa vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vui, tự hào. Tại Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng diễn ra hằng năm, người cao tuổi luôn nhiệt huyết, say mê tập luyện để các nghi lễ, nghi thức truyền thống được tái hiện thật trang nghiêm, chuẩn mực và chu đáo.

Tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ văn hóa truyền thống, người cao tuổi ở huyện Sông Mã đã phát huy vai trò trong xây dựng nếp sống văn hóa tại cộng đồng dân cư, kết nối thế hệ trẻ với các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông. Mang những giá trị lịch sử, đạo đức và văn hóa truyền thống song hành cùng đời sống hiện đại.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Thư - Minh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới