Những làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống là nét độc đáo đặc sắc trong văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Sơn La, là chất liệu nền của nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp mang âm hưởng dân gian dân tộc. Việc truyền vai, truyền khẩu, truyền tay nghệ thuật cổ truyền đã được các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh dày công tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo thành những tác phẩm hội tụ tinh hoa nghệ thuật truyền thống và hiện đại.
Mỗi dân tộc ở Sơn La sở hữu những loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian đặc sắc và độc đáo. Tiêu biểu là “Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Nghệ thuật Khèn của dân tộc Mông huyện Mộc Châu - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cùng với đó là những loại hình dân vũ: Múa chuông của dân tộc Dao; múa “au eo”, “hưn mạy”, “tăng bu” của dân tộc Khơ Mú, La Ha... Các loại hình dân nhạc truyền thống được tạo nên từ các nhạc cụ dân tộc như: Khèn, sáo, pí, khèn lá, trống, chiêng, chuông lắc, tù và, đàn tính tẩu... Những làn điệu dân ca như: Hát ru, đồng dao, hát thơ, hát giao duyên, hát mời rượu, mừng năm mới, hát đối đáp trong đám cưới... Đó là một hệ thống kho tàng các loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo làm phong phú đời sống tinh thần của đồng bào, hội tụ văn hóa đặc sắc của dân tộc. Từ lâu, những loại hình nghệ thuật này cũng được các nhạc sĩ, biên đạo của Nhà hát sử dụng làm ý tưởng, chất liệu để sáng tạo các tác phẩm biểu diễn chuyên nghiệp, tạo nên bản sắc riêng có cho hoạt động của Nhà hát trong hơn 70 năm qua.
NSƯT Đoàn Thế Hùng, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh, cho biết: Trước sự du nhập của nhiều loại hình nghệ thuật dương đại, nội dung mới mẻ, hiện đại, nghệ thuật dân gian đang có chiều hướng bị lai tạp, biến tướng. Điều đó khiến cho nghệ thuật truyền thống bị mất dần bản sắc, dẫn đến việc công chúng có thể hiểu sai hoặc nhầm lẫn chất liệu gốc của mỗi dân tộc. Vì vậy, việc truyền vai, truyền khẩu, truyền tay các loại hình nghệ thuật dân gian dân tộc là giải pháp hữu hiệu để lưu giữ bản sắc văn hóa nghệ thuật truyền thống. Đây cũng là nguồn tư liệu quý giá để các nghệ sĩ khai thác, sáng tạo, làm mới và nâng cao chất lượng các tác phẩm chuyên nghiệp.
Trong những năm qua, Nhà hát đã cử các nhạc sĩ, biên đạo múa tiến hành thực địa cơ sở, tìm hiểu, nghiên cứu về các loại hình nghệ thuật dân gian các dân tộc; xây dựng kế hoạch bài bản, mời các nghệ nhân về truyền vai, truyền khẩu, truyền tay dân ca, dân nhạc, dân vũ của các dân tộc. Qua đó, các nghệ sĩ, diễn viên được tiếp cận trực tiếp với nghệ thuật dân gian, nắm bắt được những giá trị cốt lõi và thực hành diễn xướng đúng nguyên bản. Tạo sự phối hợp độc đáo giữa nghệ nhân và nghệ sĩ, kết hợp sáng tạo các làn điệu dân ca cổ, những nhạc cụ đơn lẻ, động tác múa dân tộc thành những tác phẩm hòa tấu, tổng hợp, cộng hưởng giữa bản sắc truyền thống và chất liệu biểu diễn chuyên nghiệp. Mỗi tác phẩm mang đến một âm hưởng dân gian độc đáo, thăng hoa cảm xúc cho người biểu diễn và tôn lên vẻ đẹp của giá trị nghệ thuật truyền thống.
Ông Triệu Văn Mai, nghệ nhân dân tộc Dao, bản Piềng Sàng, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, cho biết: Tôi được Nhà hát mời về truyền dạy dân ca Dao, múa chuông, hát cúng cho các nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp. Việc học các loại hình này với chính những người dân tộc Dao đã là rất khó nhưng các nghệ sĩ tại đây đã vô cùng nỗ lực, tiếp thu nhanh từ hát, múa đến sử dụng nhạc cụ đều thành thạo và thực hành đúng với bản sắc của dân tộc.
Đảm nhận hát chính những bài hát nói, hát cúng dân tộc Dao, anh Mùi Trung Hiếu, ca sĩ của Nhà hát, chia sẻ: Điều khó nhất khi học truyền vai, truyền khẩu chính là phải nhớ để hiểu được nội dung các bài dân ca bằng ngôn ngữ cổ, luyện cách phát âm của tiếng dân tộc, quan sát tỉ mỉ động tác của nghệ nhân để thực hành đúng kiểu và đưa vào đó cả tính chuyên nghiệp trong biểu diễn mà không làm mất đi bản sắc truyền thống. Do đó, phải ghi chép, phiên âm để học thuộc, ghi âm, ghi hình lại phần truyền dạy của nghệ nhân để về nghe, xem lại và học theo, dành nhiều thời gian, công sức luyện tập để hoàn thành tác phẩm.
Từ truyền vai, truyền khẩu, truyền tay dân ca, dân nhạc, dân vũ dân tộc đã giúp làm mới cả nội dung, hình thức các tác phẩm biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, tạo dấu ấn sâu sắc đối với người xem. Nhưng mục đích quan trọng hơn, là góp phần rất lớn vào việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, lưu giữ nét đẹp truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!