Kiểm kê di sản, phát huy giá trị văn hóa vùng đất Quỳnh Nhai

Quỳnh Nhai được biết đến là miền đất giàu truyền thống văn hoá các dân tộc và được giữ gìn, lưu truyền còn khá nguyên vẹn cho đến hôm nay. Những năm qua, huyện Quỳnh Nhai luôn chú trọng công tác kiểm kê di sản gắn với các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của các dân tộc, đưa văn hoá trở thành tiềm năng, lợi thế để từng bước khai thác, phát triển du lịch vùng lòng hồ.

Giọng nữ

Lễ hội Gội đầu của người Thái trắng huyện Quỳnh Nhai.

Quỳnh Nhai có 6 dân tộc anh em cùng chung sống, gồm: Thái, La Ha, Mông, Kháng, Dao, Kinh. Trong đó, các dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 95%. Mỗi dân tộc tại đây đều có nền văn hoá lâu đời đặc sắc, đặc biệt là các nghi lễ, lễ hội truyền thống độc đáo hiện nay vẫn được duy trì tổ chức hằng năm. Từ năm 2011, huyện Quỳnh Nhai được cơ quan chuyên môn hướng dẫn điều tra điền dã, nghiên cứu để lập hồ sơ di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện theo các loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian; tiếng nói, chữ viết; tập quán xã hội và tín ngưỡng; nghi lễ truyền thống; tri thức dân gian; lễ hội truyền thống.

Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Di sản văn hoá phi vật thể của các dân tộc ở Quỳnh Nhai chủ yếu tập trung ở các loại hình nghi lễ, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội tín nghĩa, nghệ thuật trình diễn dân gian… Trong đó, người Thái trắng có nhiều nét văn hoá đặc sắc, nhất là các lễ hội truyền thống lâu đời, có giá trị về mặt văn hoá, lịch sử và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Những năm qua, huyện đã dành các chính sách ưu tiên, thực hiện một số chương trình, dự án về bảo tồn văn hoá, bảo tồn các di sản sau khi được công nhận.

Phục dựng lễ hội rượu cần dân tộc Kháng ở Quỳnh Nhai.

Phòng Văn hoá và Thông tin huyện đã cử cán bộ thực hiện phối hợp nghiên cứu thực tế, lập hồ sơ di sản hiện có của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện; tìm gặp các nghệ nhân, thực hiện ghi chép, tìm hiểu về nguồn gốc, xây dựng thành kịch bản các nghi lễ, lễ hội, các làn điệu dân ca, làm căn cứ phục dựng về sau. Nhờ vậy, nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống tại Quỳnh Nhai đã được hồ sơ hoá, trình công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, lựa chọn và xây dựng các các trích đoạn để trình diễn phục vụ tại hội diễn văn nghệ, các sự kiện văn hoá – du lịch của huyện.

Anh Ngần Văn Ngoan, công chức văn hoá xã Mường Giàng, chia sẻ: Mường Giàng có phần lớn dân số là người Thái trắng chuyển từ Mường Chiên về tái định cư, vẫn luôn gìn giữ những nét văn hoá tốt đẹp của dân tộc, nhất là các lễ hội truyền thống, nghệ thuật hát then, đàn tính, hát dân ca Thái. Trên địa bàn xã còn có các bản dân tộc Mông, La Ha, thực hiện rất tốt việc lưu truyền văn hoá truyền thống, là cơ sở để xã phối hợp thực hiện kiểm kê, bảo tồn văn hoá, nhất là các di sản sau khi được công nhận.

Lễ hội "Kin Pang Then"

Qua nhiều năm thực hiện kiểm kê, lập hồ sơ di sản, đến nay, huyện Quỳnh Nhai đã có 6 nghi lễ, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Trong đó, có 2 di sản của riêng huyện Quỳnh Nhai là Lễ hội "Kin Pang Then" và Lễ hội Gội đầu của người Thái trắng. Ngoài ra, còn có Lễ cầu an (Pang A) của người La Ha, nghi Lễ Xé Pang Á (cầu an) của người Kháng, nghi Lễ Tết Xíp xí của người Thái trắng cũng được hình thành, nghiên cứu nhiều tại huyện Quỳnh Nhai với nhiều nét văn hoá đặc sắc, có giá trị lớn lao về văn hoá – lịch sử và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Dành hơn nửa cuộc đời cho việc nghiên cứu, truyền thụ văn hoá truyền thống của người Thái trắng, Nghệ nhân nhân dân Điêu Văn Minh, xã Mường Giàng là người không chỉ am hiểu sâu sắc về văn hoá Thái mà còn là người trình diễn nghệ thuật hát then, đàn tính điêu luyện. Ông cũng là thầy mo then uy tín và được kính trọng trong cộng đồng người Thái trắng ở Quỳnh Nhai.

Các nghệ nhân dân tộc Thái tâm huyết với hoạt động bảo tồn văn hoá truyền thống.

Chia sẻ về việc bảo tồn văn hoá dân tộc, ông Minh nói: Văn hoá của người Thái trắng có nghệ thuật then với hệ thống các bài hát then, mo then có nội dung đồ sộ, chứa đựng những bài học có giá trị lớn lao răn dạy về nguồn cội dân tộc, đạo lý làm người, tập quán, tín ngưỡng truyền thống... Chính bởi vậy, khi còn sức khoẻ, tôi luôn mong muốn và cố gắng hết mình để truyền dạy văn hoá dân tộc mình cho con cháu, cùng với những người có cùng đam mê với nghệ thuật then, đưa văn hoá giới thiệu đến nhiều người.

Lễ buộc chỉ cổ tay dân tộc Thái.

Những năm gần đây, Quỳnh Nhai còn triển khai dự án về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” với nhiều giải pháp thiết thực. Năm 2024, huyện đã phục dựng Lễ hội cúng bản “Tiên Ban” của dân tộc La Ha. Tại Tuần văn hoá, thể thao và du lịch huyện Quỳnh Nhai năm 2024, tổ chức phục dựng Lễ hội “Kin Pang Then”, Lễ buộc chỉ cổ tay của dân tộc Thái, Lễ hội rượu cần của dân tộc Kháng và trình diễn văn hoá cộng đồng các dân tộc phục vụ du khách, mang đến không gian văn hoá đặc sắc, ấn tượng cho sự kiện của huyện.

Ra mắt Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Mông, xã Mường Giàng.

Ông Lò Thanh Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, thông tin: Quỳnh Nhai đã xây dựng đề án bảo tồn các nghi lễ, lễ hội truyền thống, trong đó, đặc biệt chú trọng đến các di sản sau khi được công nhận. Riêng đối với lễ hội đua thuyền truyền thống, huyện đang hướng tới xây dựng hồ sơ bảo tồn, thực hiện các giải pháp để phát huy giá trị của lễ hội gắn với phát triển du lịch của vùng lòng hồ Quỳnh Nhai.  

Quỳnh Nhai không chỉ có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ với lòng hồ mênh mông, rộng lớn được ví như “Hạ long trên núi”, văn hoá truyền thống tại đây cũng vô cùng phong phú, đặc sắc, mang những nét độc đáo riêng có của vùng sông nước. Đây là tài nguyên nhân văn có giá trị lớn lao cần được bảo tồn, gìn giữ, phát huy đúng hướng để du lịch biển hồ Quỳnh Nhai thêm hấp dẫn, thu hút du khách. 

Thanh Đào, Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới