Giữ hồn di sản văn hóa phi vật thể

Sơn La là vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em với kho tàng văn hóa phong phú, độc đáo và đa dạng. Những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy đã và đang được các cấp, ngành và cộng đồng dân cư chung tay bảo tồn, giữ gìn và phát huy, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và phục vụ phát triển du lịch.

Lễ hội Mừng cơm mới, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã.

“Không xòe không vui. Không xòe cây ngô không ra bắp. Không xòe cây lúa không trổ bông. Không xòe trai gái không thành đôi”… Đối với đồng bào dân tộc Thái, điệu xòe có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt tinh thần. Đến thăm các bản làng của đồng bào dân tộc Thái mỗi dịp tết đến xuân về, hay trong những ngày vui giao lưu, lễ hội sẽ được hòa mình vào không khí vui tươi của những điệu xòe. Giữa tiếng trống chiêng rộn ràng, bà con dân bản trong trang phục truyền thống tay trong tay, chân bước nhịp nhàng, tạo nên những vòng xòe đoàn kết, say đắm lòng người. Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2021.

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Xòe Thái” công tác tập huấn, truyền dạy rộng rãi các điệu xòe Thái cho hạt nhân văn nghệ các tổ bản; khuyến khích thành lập các mô hình CLB văn hóa dân tộc ở mỗi tổ, bản; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quảng bá, giới thiệu giá trị di sản Nghệ thuật Xòe Thái dưới nhiều hình thức tới công chúng trong và ngoài nước. Ông Vì Văn Lày, bản Nà Và, huyện Yên Châu, một nghệ nhân tâm huyết đã dành nhiều năm truyền dạy các điệu xòe cổ, cho biết: Các điệu xòe mô phỏng bước đi của cha ông khi khai phá đất đai, phát nương, làm rẫy, trồng lúa, tỉa ngô… Tất cả đều diễn tả sinh động và tinh tế về cuộc sống, thể hiện những ước mơ, khát vọng của con người.

Đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mộc Châu tự hào có 2 di sản: Nghệ thuật khèn và nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục. Từ xa xưa, chiếc khèn là nhạc cụ độc đáo, thể hiện tín ngưỡng truyền thống, là vật linh thiêng trong các nghi lễ, lễ hội và đời sống tinh thần của đồng bào Mông. Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình. Thổi và múa khèn không chỉ thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người đàn ông dân tộc Mông mà qua đó còn thể hiện sức sống mạnh mẽ, ý chí vươn lên. Đây được coi như là linh hồn của dân tộc Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng với bạn bè, cộng đồng, với thiên nhiên, núi rừng và thể hiện giá trị văn hóa, làm nên bản sắc độc đáo riêng.

Ông Mùa A Lứ, tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu, chia sẻ: Nghệ thuật múa khèn luôn được đồng bào Mông giữ gìn và trao truyền qua bao thế hệ cho đến ngày nay, bởi đây được coi là linh hồn trong đời sống văn hóa của dân tộc. Chúng tôi rất tự hào khi được giới thiệu, quảng bá nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình và sẽ tiếp tục lan tỏa nghệ thuật khèn Mông đến với bạn bè du khách gần xa trong thời gian tới.

Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể luôn được các sở ngành và địa phương trong tỉnh triển khai và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Bà Hoàng Ngân Hoàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết: Trong năm 2023, Sơn La có thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục cấp quốc gia là: Mo Mường; Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của dân tộc Dao; lễ Xé Pang Á của dân tộc Kháng. Hiện nay, toàn tỉnh có 15 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 3 chương trình trải nghiệm và trình diễn Nghệ thuật Xòe Thái, Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của dân tộc Mông, dân tộc Dao tại Bảo tàng tỉnh, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Xuân về, khắp các bản mường trên miền đất Sơn La tươi đẹp, rộn ràng tiếng trống, chiêng, tiếng khèn, câu khắp, lời đang tưng bừng náo nức mời gọi vui hội. Bức tranh di sản văn hóa các dân tộc Sơn La thật sinh động và đặc sắc. Bằng nhiều giải pháp thiết thực và trọng tâm của các cấp, các ngành cùng sự nỗ lực của cộng đồng 12 dân tộc anh em, những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh luôn được gìn giữ và phát huy, góp phần xây dựng nên hình ảnh một Sơn La văn minh, phát triển và giàu bản sắc văn hóa các dân tộc.

Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới