Những năm gần đây, nhiều các hoạt động trải nghiệm về giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương được tổ chức theo nhiều hình thức ở các cấp; trong đó, chú trọng việc lựa chọn các “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, giúp thế hệ trẻ tiếp cận kiến thức lịch sử, văn hóa địa phương một cách sâu sắc và hấp dẫn.
Bảo tàng tỉnh gắn với Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La là một trong những địa chỉ không thể thiếu của “hành trình về nguồn” khi tổ chức các hoạt động giáo dục lịch sử ở các trường học trên địa bàn tỉnh. Với mục đích tạo không gian đổi mới giúp học sinh có trải nghiệm, tìm hiểu kiến thức thực tế, Bảo tàng tỉnh đã nỗ lực thay đổi hình thức tổ chức hoạt động, định hướng và khơi dậy truyền thống lịch sử quê hương trong các em học sinh. Từ năm 2018 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức 16 cuộc sinh hoạt văn hóa, các cuộc thi tìm hiểu về nhân vật, sự kiện lịch sử, di sản văn hóa địa phương bằng các hình thức như: “Rung chuông vàng”, trải nghiệm “Em yêu lịch sử”... thu hút sự quan tâm và yêu thích của các em học sinh.
Ông Nguyễn An Đại, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bảo tàng tỉnh là thực hiện công tác truyền thông giáo dục. Đơn vị đã lựa chọn tổ chức các hoạt động giáo dục về lịch sử, văn hóa địa phương gắn với bảo tàng và Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Những hoạt động này đã và đang cho thấy hiệu quả, tạo sức hút và lan tỏa đến thế hệ trẻ về giáo dục truyền thống cách mạng. Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai các hoạt động giáo dục truyền thông theo hình thức đổi mới hơn, phù hợp với học sinh từng lứa tuổi, từng cấp học.
Tham gia chương trình giáo dục trải nghiệm “Em yêu lịch sử” tại Bảo tàng tỉnh, em Trần Ngọc Anh, lớp 11A1, Trường liên cấp quốc tế Bình Minh, phấn khởi: Tham gia chương trình trải nghiệm thực tế giúp chúng em hiểu hơn về lịch sử quê hương mình và thêm yêu mảnh đất nơi mình sinh ra. Cũng nhờ đó, chúng em nhận thấy lịch sử hấp dẫn và ý nghĩa hơn.
Còn em Lò Thị Minh Thư, học sinh lớp 12B, Trường PTDT nội trú tỉnh chia sẻ: Tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, bản thân em không khỏi xúc động và tự hào về quê hương mình. Thông qua hoạt động này, chúng em không chỉ thấy mình phải sống trách nhiệm hơn, biết trân trọng hòa bình do cha anh không quản hy sinh mang lại, mà còn cập nhật cho mình những kiến thức bổ ích ngoài sách vở.
Ngoài Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, tỉnh ta còn có Khu căn cứ cách mạng Mường Chanh, huyện Mai Sơn; Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, huyện Mộc Châu; Khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ, huyện Vân Hồ; Khu kháng chiến 99, huyện Bắc Yên... Cùng các di tích lịch sử: Văn bia Quế Lâm ngự chế - Đền thờ Vua Lê Thái Tông (Thành phố); Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào (Yên Châu); Di tích lịch sử ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn)… Đây là những minh chứng cho mảnh đất Sơn La giàu truyền thống cách mạng, là những “địa chỉ đỏ” về giáo dục lịch sử giàu ý nghĩa được các trường học ở mỗi địa phương phát huy hiệu quả, giúp học sinh có những tiết học bổ trợ thú vị và đem lại ý nghĩa thiết thực.
Ông Ngô Ngọc Toàn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu, thông tin: Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã chủ trì soạn thảo bộ tài liệu riêng về giáo dục lịch sử địa phương dùng cho các trường học, bổ sung thêm cho tài liệu do Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp. Cùng với đó, các trường học còn tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ gắn với nội dung học tập trên lớp về giáo dục truyền thống cách mạng. Các trường nhận đăng ký chăm sóc di tích lịch sử, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của địa phương, tạo điều kiện cho học sinh trực tiếp tham gia chăm sóc, bảo vệ di tích và hình thành ý thức trách nhiệm, rèn luyện đạo đức, lối sống.
Từ năm 2015, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức biên soạn bộ tài liệu phục vụ chương trình giáo dục lịch sử địa phương cho các trường học trên địa bàn tỉnh dành cho học sinh cấp THCS và THPT. Nội dung bám sát các giai đoạn lịch sử của tỉnh, nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đến quá trình đấu tranh cách mạng và xây dựng tỉnh nhà với số tiết học theo quy định ở từng lớp. Cùng với đó, các huyện, thành phố bổ sung thêm nội dung lịch sử của mỗi địa phương vào tài liệu chung, làm phong phú thêm chương trình giảng dạy ở các trường.
Việc đổi mới giáo dục lịch sử, trải nghiệm, tìm hiểu kiến thức thực tế đã giúp học sinh tiếp nhận, hiểu rõ hơn về lịch sử ở chính mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, hiểu giá trị “uống nước nhớ nguồn”, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!