Ông tôi kể lại rằng: “Xưa nay người miền núi sống dựa vào rừng, nhờ rừng mà qua được bao mùa đói kém. Trước đây khi đi rừng, đi rẫy, không mang gì nhiều nhặn ngoài dao rựa, bình nước, nắm gạo và bao diêm. Đến bữa thì nhặt củi khô đốt lửa lên, bỏ gạo vào ống tre tươi, thêm chút nước rồi nướng lên là có cơm ăn qua bữa trưa vội vàng để còn kịp xong việc trong ngày”. Giờ cuộc sống khấm khá hơn, món cơm nướng ống tre ngày ấy mang mùi vị của gian khó, lại trở thành món đặc sản, mang “hơi thở” của núi rừng.
Cơm lam vốn chẳng phải là món ăn cần phải chế biến cầu kỳ hay nguyên liệu khó kiếm. Đơn giản chỉ có gạo nếp nương ngâm qua đêm, mang bỏ vào ống nứa hay ống giang rồi đem nướng trên bếp lửa đến khi chín. Cái khó là phải canh lửa nhỏ vừa, xoay lật ống lam liên tục để cơm chín đều mà không bị cháy. Ai thích nướng cơm lam bằng ống tre to thì thường lót thêm lá chuối rừng trước rồi mới đổ gạo vào bên trong, giúp cơm lam dẻo thơm, khi chẻ ống tre ra không bị dính, ống cơm lam có khuôn hình đẹp hơn. Còn với ống nứa nhỏ, thường chỉ rửa sạch, cho gạo nếp vào và nướng nhỏ lửa, khi tách lớp vỏ đã cháy xém bên ngoài thì khuôn cơm vẫn còn giữ nguyên lớp màng mỏng màu trắng, vừa đẹp mắt, vừa không bị dính tay khi cầm.
Là người Tây Bắc, chẳng ai lại không biết đến món cơm lam giản dị và gần gũi. Không biết là cách sáng tạo của dân tộc nào ở miền núi. Nhưng có lẽ, những người phụ nữ dân tộc Thái vẫn luôn có sự cầu kỳ hơn cả trong chế biến những ống cơm lam đủ vị và đủ sắc màu khiến mâm cỗ ngày lễ trở nên lung linh, ngon mắt, ngon miệng. Để làm cơm lam, các bà, các chị thường phải chọn loại gạo nếp nương ngon nhất, ngâm với gạo trước khoảng 2 tiếng. Ống lam thường dùng là loại ống nứa không già, không non để khi nướng không bị nhanh cháy vỏ, cắt lấy những gióng dài nhất để chứa được nhiều gạo bên trong. Tùy theo độ khéo léo của người làm bếp mà ống cơm lam được sáng tạo với những hương vị và màu sắc khác nhau. Để cơm lam thơm bùi, các chị thường đun lá nếp hoặc lá dứa, lấy nước cho vào gạo khi nướng. Để cơm có màu đẹp thì dùng lá rừng tạo màu tím và đỏ, dùng nước đun từ nghệ tươi để tạo màu vàng, ngâm gạo 30 phút để gạo ngấm màu rồi đem nướng, cơm lam sẽ lên màu vô cùng bắt mắt.
Cơm lam luôn là món không thể thiếu trong thực đơn của những nhà hàng dân tộc Thái. Nhiều thực khách không những đến thưởng thức mà còn mua về làm quà. Hoặc không khó để tìm thấy những điểm bán hàng của các cô, các chị dân tộc Thái bên đường ở những khu đông dân cư, nhiều người qua lại... Ống cơm lam thơm ngon, nóng hổi trở thành thức quà mùa đông đặc trưng của phố núi, chẳng ai lại không yêu thích, thậm chí là “nghiện” món xôi thơm chấm muối vừng, vừa ngon, vừa chắc bụng.
Cơm lam vốn là một sự sáng tạo của người miền núi, một cách thức đơn giản để thích nghi với cuộc sống gắn bó nơi đại ngàn, giờ đây đã trở thành đặc sản của người miền núi mà bất cứ du khách nào khi đến Sơn La cũng muốn được thưởng thức.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!