Bản Huổi Ỏi, xã Mường Hung, huyện Sông Mã có 84 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Khơ Mú. Những nét đẹp truyền thống lâu đời của dân tộc mình luôn được người dân nơi đây tích cực gìn giữ và phát huy, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Ông Cút Văn Nga, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Huổi Ỏi, cho biết: Những năm qua, bản thường xuyên tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong các buổi họp bản để bà con hiểu và có ý thức gìn giữ bản sắc dân tộc. Đồng thời, truyền dạy cho thế hệ trẻ việc gìn giữ, bảo tồn nét đẹp truyền thống dân tộc thông qua trang phục, làn điệu dân ca, dân vũ, ẩm thực, tiếng nói...
Trong đó, điệu múa Au eo, là món ăn tinh thần không thể thiếu của dân tộc Khơ Mú trong các dịp lễ, tết; với điệu lắc hông, uốn lượn eo lên xuống, xoay ngang, nhịp gót nhún rộn ràng được mô phỏng theo các động tác, cử chỉ lao động hằng ngày của người dân nơi đây như gặt lúa, trồng ngô, hái rau, xúc tép, giặt giũ... Hiện nay, điệu múa truyền thống Au eo được xem như “bài tủ” của bản khi tham gia giao lưu văn nghệ ở xã, huyện và các cuộc thi do tỉnh tổ chức. Ngoài hát, múa, các thành viên trong đội văn nghệ còn truyền dạy cho thanh thiếu niên trong bản để điệu múa không bị mai một...
Chị Lò Thị Liên, Đội trưởng đội văn nghệ dân gian bản Huổi Ỏi, chia sẻ: Để phụ họa cho những bài hát, điệu múa, đồng bào Khơ Mú bản Huổi Ỏi sử dụng trống, sáo nhiều ống, khèn, đao đao, chiêng khỉ, chập chòe... Trong đó, đạo cụ độc đáo, được chế tác từ ống nứa khi diễn tấu, tay phải cầm phần dưới của nhạc cụ đập phần đầu của nhạc cụ vào lòng bàn tay, âm thanh vang lên từ đó, hoà theo nhịp bước uyển chuyển của cơ thể tạo thành điệu múa truyền thống mang đặc trưng riêng của đồng bào Khơ mú.
Trang phục dân tộc của nam giới dân tộc Khơ Mú khá giống trang phục của nam giới dân tộc Thái đen; còn trang phục của phụ nữ gồm có piêu, áo cóm, váy đen, dây lưng, xà cạp, chùm cài đầu, bộ xà tích thắt lưng... Ngày nay, áo, váy được cách tân, thêu thêm các họa tiết hình hoa lá, con vật, hình thoi... bằng các loại chỉ màu sặc sỡ. Phụ nữ Khơ Mú quấn piêu quanh đầu, một đầu piêu thả sau gáy buông quá vai xuống lưng, đầu còn lại cài theo vành khăn rồi cuốn lên trán của người đội. Các thành viên trong gia đình đều có một vài bộ để diện vào dịp lễ, tết.
Về ẩm thực, người Khơ Mú có nhiều món ăn truyền thống gần giống người Thái, như xôi ngũ sắc, cơm lam, thịt gà nấu măng chua, mọ gà, thịt đun ống nứa... Đặc biệt, có món canh Đoong Uông được nấu từ thịt chim hoặc thịt trâu, bò gác bếp với các loại rau rừng, rau thơm, mắc khén; mỗi khi có khách quý đến nhà đều được thết đãi món ăn độc đáo này.
Người Khơ Mú Huổi Ỏi có lễ hội truyền thống Magrơ (mừng cơm mới) được tổ chức hằng năm vào tháng 10 âm lịch sau khi kết thúc vụ mùa. Lễ hội có ý nghĩa tổng kết vụ mùa năm cũ và đón một vụ mùa mới; đồng thời, bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, trời đất, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, bản làng yên vui, nhà nhà no ấm.
Bằng nhiều cách làm trong việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống, người dân bản Huổi Ỏi luôn phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Khơ Mú, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại cơ sở.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!