Yên Châu gìn giữ nhạc cụ dân tộc

Là cộng đồng dân tộc đông nhất ở Yên Châu, chiếm hơn 53% dân số trong toàn huyện, đồng bào Thái nơi đây vẫn còn giữ gìn được nhiều nét văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc thể hiện qua phong tục, tập quán, làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc... Trong đó, phải kể đến nhạc cụ trống, chiêng.

 

 

Bộ trống, chiêng được gia đình bà Hoàng Thị Hồm, bản Mường Vạt, xã Viêng Lán gìn giữ.

 

Theo giới thiệu của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Châu, chúng tôi tìm gặp bà Quàng Thị Chính (sinh năm 1962) ở tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu, là người am hiểu về văn hóa Thái, bà Chính chia sẻ: Từ bao đời nay, trống, chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành thanh âm quen thuộc, gần gũi, gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của người Thái. Trong các ngày lễ, tết, ngày vui của bản, làng, dòng họ, gia đình của đồng bào Thái Yên Châu đều không thể thiếu những âm thanh trầm bổng của trống, chiêng. Trống, chiêng thường sử dụng trong múa xòe cộng đồng, tạo không khí vui nhộn, sôi động, lôi cuốn mọi người tham gia, giúp người dân xua đi bao mệt mỏi sau những ngày lao động vất vả. Trong các lễ hội, hoạt động cộng đồng, trống, chiêng được bố trí ở một nơi dễ bao quát các hoạt động diễn ra và được treo trên giá tre vững chắc. Để đánh được trống, chiêng không khó, bởi với nhịp điệu dễ nhớ chỉ cần nghe một vài lần là ai cũng có thể đánh được. Vì thế mà, bất kể già, trẻ, gái, trai, mỗi khi có ngày vui hội của bản làng lại thay phiên nhau đánh trống, chiêng, những người còn lại tham gia hội xòe. Nhờ có tiếng trống, chiêng mà tình cảm gia đình, anh em, cũng như cộng đồng làng, bản trở nên gắn kết, yêu thương nhau hơn. Đến nay, 100% bản của đồng bào Thái đều có ít nhất một bộ trống, chiêng, có bản có đến 3-4 bộ và được lưu giữ tại nhà văn hoá bản để phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Theo bà Chính, ở Yên Châu có dòng họ Hoàng (được coi là họ gốc của người Thái Yên Châu) là lưu giữ bộ trống, chiêng riêng để dùng trong nghi lễ việc tang và các sự kiện quan trọng của dòng họ.

 

Để minh chứng, bà Chính dẫn chúng tôi đến bản Mường Vạt, xã Viêng Lán, nơi có khá đông dòng họ Hoàng sinh sống. Là một trong những hộ lưu giữ bộ trống, chiêng của dòng họ Hoàng, bà Hoàng Thị Hồm cho hay: Trong bản có vài chục hộ thuộc dòng họ Hoàng, có 5 hộ còn lưu giữ bộ trống, chiêng, trong đó có gia đình tôi; bộ trống, chiêng này đến nay cũng được gần 50 năm rồi, mỗi khi trong dòng họ có việc, gia đình tôi lại mang ra sử dụng.

 

Tham gia giữ gìn bảo tồn nhạc cụ trống, chiêng ở Yên Châu còn có nghệ nhân Lò Văn Phòng, ở bản Búng, xã Chiềng Sàng, gần 30 năm nay, ông vẫn miệt mài nghiên cứu, chế tác ra những chiếc trống, chiêng. Ông Phòng chia sẻ: Sinh ra trong gia đình có truyền thống chế tác các loại nhạc cụ dân tộc, nên từ nhỏ, tôi đã được bố chỉ dạy các kỹ năng, kỹ thuật chế tạo trống, chiêng; rồi mỗi khi được tham gia vui hội, xem những người trong bản biểu diễn, tôi đã bị cuốn hút bởi âm thanh trầm bổng ấy và thế là tôi quyết gắn bó với nghề chế tác nhạc cụ này cho đến tận bây giờ. Đến nay, tôi đã chế tác được gần 800 bộ trống, chiêng, được các cá nhân, đội văn nghệ, đoàn ca múa nhạc trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh của nước bạn Lào tìm đến tận nơi để đặt mua. Tôi sẽ vẫn tiếp tục chế tác trống, chiêng và truyền lại cho con cháu cách chế tác, với mong muốn thế hệ sau tiếp tục giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, không để bị mai một.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Hưng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Châu được biết, trống, chiêng vẫn đang được các bản đồng bào dân tộc Thái duy trì, sử dụng không chỉ trong ngày lễ, tết, mà còn trong các buổi giao lưu văn nghệ, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng. Hiện nay, huyện chưa có dự án nào để bảo tồn nhạc cụ trống, chiêng, nhưng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cũng như các xã vẫn luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, trong đó có nhạc cụ trống, chiêng. Động viên, khuyến khích các nghệ nhân tiếp tục lưu giữ, truyền dạy cách chế tác nhạc cụ trống, chiêng cho con cháu.

 

Việc giữ gìn nhạc cụ trống, chiêng của đồng bào Thái Yên Châu đã thực sự thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở địa phương phát triển, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới