Xây dựng văn hóa là tạo sức mạnh nội sinh cho đất nước phát triển

Phát biểu kết luận buổi làm việc tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định: Xây dựng văn hóa là tạo sức mạnh nội sinh cho đất nước phát triển. Đồng chí yêu cầu Bộ cần cố gắng hơn nữa nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ...

Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: K.T)

Ngày 10/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về "Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững" tiến hành kiểm tra, khảo sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo và đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì buổi làm việc. Tới dự còn có đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Dự thảo báo cáo 05 năm quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Nhìn tổng thể, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.Tư tưởng, đạo đức, lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”  được mở rộng và đi vào chiều sâu, với những tiêu chí cụ thể mang lại hiệu quả thiết thực. Phong trào xây dựng danh hiệu gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đề cao giá trị đạo đức, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, làng bản, khu phố văn hóa của Việt Nam, loại bỏ dần những tập tục lỗi thời, lạc hậu. Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển rộng rãi, thể hiện ở sự gia tăng số lượng người tập thường xuyên, góp phần phòng ngừa bệnh tật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng lối sống lành mạnh, hình thành và bồi dưỡng các phẩm chất, nhân cách con người. Các kết quả đáng tự hào của thể thao Việt Nam tại các giải quốc tế là động lực, cổ vũ tinh thần cho nhân dân.

Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo
phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: K.T)

Hệ thống pháp luật ngành được tiếp tục hoàn thiện, tác động sâu rộng đến đời sống của nhân dân, tích cực thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, ghi nhận và cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của nhân dân về văn hóa; đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhân dân - những chủ thể của văn hóa - tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; đóng vai trò là phương tiện để thực hiện chủ trương của Đảng về xã hội hóa hoạt động văn hóa, thu hút đầu tư cho văn hóa, gia đình, từng bước triển khai chủ trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Văn học, nghệ thuật đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân, có nhiều tác phẩm tốt trong tất cả các loại hình nghệ thuật. Văn học, nghệ thuật đã cố gắng phát triển, khẳng định các nhân tố mới, tham gia cuộc đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, đời sống và đạo đức trong một số bộ phận xã hội. Lực lượng văn nghệ sĩ và văn nghệ các dân tộc thiểu số có bước phát triển. Sự xuất hiện lực lượng sáng tác trẻ với những khả năng sáng tạo và sự đa dạng về  phong cách là dấu hiệu mới đáng trân trọng. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển. Nhiều câu lạc bộ văn học, nghệ thuật ra đời, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo; khai thác, truyền bá các giá trị nghệ thuật cổ truyền và thưởng thức văn học, nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân ở cơ sở.

Hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được nghiên cứu, nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị, trong đó đặc biệt là các di sản được UNESCO ghi danh, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào và nhận thức bảo vệ di sản trong nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của nhân dân địa phương; các nghệ nhân được tôn vinh, được hưởng các chính sách hỗ trợ, công tác xã hội hóa được tăng cường và thu hút được đông đảo các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, là nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển du lịch.

Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh:K.T)

Hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức sôi nổi, góp phần làm cho các hoạt động này trở thành một trong những kênh quan trọng trong công tác đối ngoại của Nhà nước. Các hoạt động văn hóa đối ngoại nhằm giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa nghệ thuật của các dân tộc Việt Nam ra thế giới, đồng thời tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc để bắt kịp xu thế của thời đại được tổ chức liên tục thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật Việt Nam ở nước ngoài và nghệ thuật nước ngoài tại Việt Nam…

Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các thành viên Ban Chỉ đạo đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết nhằm hoàn thiện bản báo cáo.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc sơ kết Nghị quyết 33-NQ/TW. Để hoàn thiện báo cáo, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với vai trò tham mưu đặc biệt trong lĩnh vực của mình, cần lưu ý phối hợp với các bộ, ngành khác để làm rõ các vấn đề từ góc độ văn hóa. Mặc dù kết quả trong lĩnh vực văn hóa khó lượng hóa, song không phải không có chỉ tiêu để có thể lượng hóa được.

Trong quá trình Sơ kết 05 thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nắm bắt trào lưu của giới trẻ để có thể tiếp cận, nhận diện các vấn đề; xem xét một số phong trào văn hóa sau một thời gian thực hiện còn phù hợp hay không. Phó Thủ tướng cho rằng, cần có sự đổi mới về tư duy cũng như cách làm để có thể thực hiện tốt hơn Nghị quyết 33-NQ/TW trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng -  Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo biểu dương những kết quả mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Đồng chí cũng cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo cũng như các đại biểu.

Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp thu và hoàn thiện Bản báo cáo với chất lượng tốt nhất, tránh hình thức, bảo đảm yêu cầu nội dung, chất lượng và tiến độ để trình Ban Bí thư tiến hành Sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; đồng thời khẳng định, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Xây dựng văn hóa là tạo sức mạnh nội sinh cho đất nước phát triển. Vì vậy, khi tiến hành sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW,  yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần cố gắng hơn nữa trong một số lĩnh vực, như: Nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động văn hóa, văn nghệ... Trong quá trình sơ kết, một số vấn đề cần có sự đánh giá, nghiên cứu sâu hơn như: Hoạt động lễ hội truyền thống; tình trạng xâm hại di sản văn hóa; xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật...

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới