Chương trình nghệ thuật “Bài ca những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch” do các nghệ sĩ Nhà hát Công an nhân dân phối hợp Truyền hình Công an nhân dân thực hiện nhằm cổ vũ tinh thần cán bộ, chiến sĩ trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: NGUYỄN HOA
I. Thời cơ mới
1. Tròn 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, trên lĩnh vực văn hóa, chúng ta có 2 văn bản mang tính pháp lý quan trọng. Ðó là vào năm 1998, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa VIII ra Nghị quyết số 03-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. 15 năm sau đó, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI lại ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW trên cơ sở kế thừa và phát triển Nghị quyết số 03, với tên gọi “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Có thể coi đây là Nghị quyết hoàn chỉnh các quan điểm chỉ đạo rất quan trọng về định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi liền với mở rộng hội nhập quốc tế nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thiết nghĩ, cần nhắc lại đây mấy luận điểm rất cơ bản và quan trọng trong Nghị quyết này. Về mục tiêu chung, Nghị quyết chỉ rõ: “Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tính dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nghị quyết này giữ nguyên 5 quan điểm chỉ đạo phát triển văn hóa nêu trong Nghị quyết 03, nhưng đã được bổ sung một số thành tố quan trọng, trong đó tôi rất tâm đắc với quan điểm thứ nhất: Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu động lực phát triển đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội (tôi nhấn mạnh). Có thể coi Nghị quyết này là cái “cẩm nang” của những người làm văn hóa, trong đó luận điểm tôi vừa nhấn mạnh là niềm vui, niềm tự hào về sứ mệnh vẻ vang của văn hóa được đặt trong tổng thể với kinh tế, chính trị và xã hội. Ðiều ấy cũng có nghĩa là, quan niệm giản đơn về văn hóa tồn tại đã từ lâu “chỉ là công việc cờ, đèn, kèn, trống”, đã đi vào dĩ vãng, mở ra chân trời khoáng đạt cho các lĩnh vực văn hóa rộng mở, tạo sự đa dạng và phong phú trong đời sống tinh thần; đề cao tinh thần chủ động và khuyến khích tự do sáng tạo của đội ngũ làm văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Cần nhấn mạnh thêm, với việc nêu rõ 7 đặc tính của con người Việt Nam, mà văn hóa có nhiệm vụ tham gia bồi đắp, qua thực tiễn gần hai năm chống đại dịch Covid-19 cũng như chống bão lũ, thiên tai vừa qua, chúng ta càng thấu hiểu sức mạnh của văn hóa trong việc khơi gợi lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc; tình người trong hoạn nạn, thương đau; và nhờ vậy thắp sáng niềm tin và hy vọng của toàn dân vào cuộc chiến đẩy lùi đại dịch. Thực tiễn đó là minh chứng sinh động về “sức mạnh mềm” lớn lao của văn hóa, mà Nghị quyết đã nhìn nhận, phân tích ở tầm chiến lược.
2. Trên nền tảng những quan điểm cơ bản ấy, sự quản lý của Nhà nước có những chuyển biến tích cực trong việc thể chế hóa Nghị quyết bằng một số chương trình, đề án cụ thể; theo đó là sự bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách, nhất là về cơ chế tài chính, cơ chế đào tạo nguồn nhân lực cho văn hóa. Các lĩnh vực hoạt động văn hóa coi đây là “điểm tựa” quan trọng để triển khai các nhiệm vụ của mình.
3. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa. Trong điều kiện giãn cách xã hội ngặt nghèo, nhờ có công nghệ số và kỹ thuật thông tin hiện đại, chúng ta vẫn có thể tiến hành những buổi biểu diễn văn nghệ trực tuyến ca ngợi các chiến sĩ áo trắng, áo xanh, áo vàng trên tuyến đầu chống dịch. Các phương tiện báo chí, truyền thông nhờ công nghệ thông tin hiện đại, đã phản ánh kịp thời và sinh động những hoạt động của toàn xã hội trong thực thi các nhiệm vụ chính trị hệ trọng. Chưa kể Ðảng, Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành đã sử dụng thành công bước đầu những thành tựu công nghệ số vào việc chỉ đạo hằng ngày công cuộc phòng, chống đại dịch và bão lũ, thiên tai, vừa kịp thời, vừa tiết kiệm thời gian và sức người, sức của.
4. Toàn cầu hóa thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa song hành, chúng ta có điều kiện nghiên cứu, trao đổi những kinh nghiệm với các nước có nền văn hóa tương đồng, cả những nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau, nhưng họ có nền văn hóa lâu đời và đa dạng. Chúng ta tận dụng cơ hội hội nhập quốc tế để nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm có ích, phù hợp thực tiễn văn hóa của đất nước ta; đồng thời đây cũng là dịp quảng bá rộng rãi hình ảnh văn hóa Việt Nam, đất nước Việt Nam và con người Việt Nam ra thế giới.
II. Những thách thức không nhỏ
Trong quá trình tồn tại và phát triển của các quốc gia, dân tộc đều có những thời cơ và thách thức song hành trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể. Vấn đề quan trọng là ở chỗ, chúng ta cần xác định đúng và trúng những nhân tố chủ quan và khách quan đang cản trở hoặc làm lệch hướng con đường phát triển văn hóa của đất nước ta. Theo hướng đó, xin mạnh dạn nêu lên mấy thách thức cơ bản diễn ra trong đời sống xã hội hiện nay:
1. Quá trình toàn cầu hóa về kinh tế cũng như văn hóa đều có mặt tích cực và tiêu cực. Ðối với nước ta, mặt tiêu cực của toàn cầu hóa, đã và đang tác động không nhỏ trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam. Không ít những bộ phim chiếu cảnh đâm chém nhau rùng rợn; những tiểu thuyết miêu tả tỉ mỉ cách làm tình; những bài báo kích động chiến tranh, hận thù dân tộc; những tranh ảnh lõa thể, khiêu dâm,… Do hệ thống quản lý phim ảnh, sách báo của ta còn nhiều lỏng lẻo, bất cập nên các loại sách báo, phim ảnh như trên đang đi vào các ngõ ngách, xâm nhập đời sống thanh, thiếu niên, nên đã gây ra bao cảnh đau lòng, bất hạnh. Ðặc biệt với sự lan tỏa chóng mặt của mạng xã hội phát triển hiện nay, đang làm cho không ít người lẫn lộn giả - thật, đúng - sai, chính nghĩa - phi nghĩa... mà vừa qua những thông tin bịa đặt, xuyên tạc về công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19, chúng ta đã phải trả giá, buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính và pháp luật đối với một số người vi phạm.
2. Từ chủ trương đúng đến tổ chức thực hiện là một khoảng cách lớn. Chúng ta đang hứng chịu một thực tế là, tư duy về văn hóa trong thời kỳ mới chuyển đổi khá chậm trước tình hình kinh tế - xã hội chuyển động rất nhanh (cả ở trong nước và thế giới). Trong khi đó, văn hóa gồm rất nhiều lĩnh vực mang tính đặc thù, mà người quản lý - chủ nhân hoạch định cơ chế, chính sách hình như vẫn xây dựng theo các “ba-rem” cách đây nhiều năm, có chăng “điều chỉnh chút chút” cho cái gọi là sự “cân bằng ngân sách” hiện có?! Vậy là quan điểm chỉ đạo thứ nhất: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội đã vô hình bị chặn lại ngay từ bởi khâu đầu tiên?! Phải chăng tư duy thay đổi chậm cùng cách tổ chức thực hiện theo lối cũ, đang là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra các lực cản khi triển khai cụ thể?!
Tôi nhấn mạnh điều này vì tình hình hiện nay cả nước vừa chống dịch, vừa đồng thời phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Những thiệt hại to lớn về người và của trong gần 2 năm qua, đã và đang tạo ra những khó khăn chồng chất - thực trạng này sẽ càng đẩy văn hóa tụt xa so với kinh tế, xã hội, nếu những người chỉ đạo và người thực thi không có chủ trương mới, cách làm mới phù hợp.
3. Hiện nay cả xã hội nhắc cụm từ “công nghệ 4.0”. Nhưng áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng này vào phát triển văn hóa thế nào? Vấn đề bản quyền; vấn đề sở hữu trí tuệ; vấn đề xây dựng và bảo tồn các di tích văn hóa vật thể, phi vật thể; vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa; vấn đề sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật…, suy cho cùng là phụ thuộc vào đối tượng quản lý cùng đối tượng thực thi và cơ sở vật chất - kỹ thuật - thì cả 3 yếu tố cơ bản này đang thật sự là thách thức không nhỏ.
LỜI KẾT
Một trong những nét đẹp của văn hóa con người Việt Nam là “cái khó không bó cái khôn”, “trong cái khó ló cái khôn”. Chính vì vậy, một trong những nhân tố quan trọng trong phòng, chống đại dịch Covid-19 trong gần hai năm qua là chúng ta đã khơi dậy được truyền thống yêu nước, ý thức đại đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, cả nước chung tay, chia sẻ gian khó; vùng khó ít chi viện thầy thuốc và vật chất cho vùng khó nhiều như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, Long An… Chúng ta đã và đang huy động sức mạnh toàn dân tộc, trong đó có sức mạnh văn hóa vào việc thiết lập trạng thái “bình thường mới” để nhanh chóng hồi sinh sự sống của toàn đất nước. Thiết nghĩ, những phong trào đã có, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào “xã hội hóa văn hóa”; phong trào “liên kết gia đình - nhà trường - xã hội” trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh… nếu được tổng kết bài bản, sẽ là cơ sở quan trọng tạo ra bước chuyển mới trong các hoạt động văn hóa. Trước tình hình hiện nay, một số yêu cầu cấp bách là phải nhanh chóng thiết lập môi trường văn hóa lành mạnh; sự rà soát, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách để thích hợp tình hình mới; tăng cường phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị xã hội để ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đặc biệt là nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần tích cực tạo dựng và củng cố niềm tin của toàn xã hội vào Ðảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Không có “chiếc đũa thần” nào thay thế sự nỗ lực chủ quan của từng cá nhân, từng cộng đồng cùng hợp sức thúc đẩy văn hóa; đề cao vai trò giáo dục của gia đình đối với con cái, tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội - đây là những nhân tố đã được đề cập từ lâu, cần được duy trì và đẩy lên bước mới. Tóm lại, ý thức tự giác, chủ động; tinh thần kiên định, sáng tạo; ý chí vượt qua mọi khó khăn, thách đố của từng người, từng nhà, từng cộng đồng xã hội, là cội nguồn tạo nên bước chuyển mới cùng chất lượng mới trong các hoạt động văn hóa hiện nay.
Tháng 10/2021
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!