Tung còn - Trò chơi truyền thống của đồng bào dân tộc Thái

Tung còn là trò chơi dân gian đã có từ lâu đời, mang nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái, thông qua trò chơi này là dịp để người dân cầu chúc năm mới, mùa màng bội thu và cũng là cơ hội cho trai gái tìm hiểu, nên duyên.

 

 

Bà con các dân tộc chơi tung còn trong Hội Xuân dâng Bác lần thứ nhất năm 2020 tại Thành phố.

 

Không ai biết trò chơi tung còn xuất hiện từ khi nào, chỉ biết trong các lễ hội, đặc biệt là vào dịp tết cổ truyền thì không thể thiếu trò chơi này. Bà Lường Thị Sức, dân tộc Thái, xã Chiềng Mai (Mai Sơn), cho biết: Từ xa xưa, khi người Thái đi làm ruộng, họ thường tung bó mạ cho nhau và dần xuất hiện trò chơi tung còn, cứ thế được truyền từ đời này sang đời khác.

 

Để chơi tung còn phải có quả còn, cây nêu và một khoảng sân rộng. Quả còn được làm bằng vải, những mảnh vải vụn cắt thành hình ô vuông có cạnh khoảng 15-18 cm, gấp chéo 4 góc vào nhau, bên trong nhồi bằng hạt bông hay hạt thóc với ý nghĩa thóc nuôi sống con người, thể hiện cầu mong sự nảy nở sinh sôi. Dây còn cũng được khâu bằng vải, dài độ nửa sải tay, một đầu đính vào điểm tâm giao của hình vuông quả còn, bốn góc của còn được đính thêm các tua vải nhiều màu trông khá đẹp mắt, giúp quả còn định hướng khi được tung lên, tạo thành biểu tượng như hình con rồng bay, mang niềm tin gửi gắm đem lại sự phồn thịnh, hạnh phúc. Để có được những quả còn đẹp, các bà, các mẹ thường phối vải màu xanh, đỏ, tím, vàng làm tua rua đều từ quả còn đến dây còn. Trò chơi tung còn thường được tổ chức tại một khoảng sân rộng, giữa sân dựng một cây tre, cây tre cao từ 15-20 m, trên đỉnh có một vòng tròn đường kính từ 45 đến 50 cm, có thể được dán giấy màu.

 

Trò chơi tung còn có nhiều cách chơi, nhưng hiện nay chỉ còn có hai cách chơi phổ biến nhất. Cách thứ nhất: Thanh niên nam nữ chưa vợ, chưa chồng thì chơi theo tục tỏ tình, giao duyên. Nam đứng một bên, nữ đứng một bên, thoạt đầu còn tung sang nhau đại trà, sau dần dần, đôi nào phải lòng nhau tự khắc ném cho nhau, hình thức này sau cùng là chơi từng đôi một, thông qua hội tung còn, các chàng trai, cô gái nên duyên vợ chồng. Cách thứ hai: Gọi là tung còn vòng, người chơi đứng ở hai bên cây tre cách tầm từ 15 đến 20 m, thay nhau ném quả còn đi qua vòng tròn trên đỉnh cây tre, người đối diện sẽ bắt lấy quả còn và ném lại. Cứ như vậy trò chơi sẽ kết thúc khi có người ném qua vòng tròn đó nhiều nhất thì sẽ giành chiến thắng. Cách chơi này dành cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Tưởng đơn giản nhưng trò tung còn cũng đòi hỏi người chơi phải có kỹ thuật, phải cầm gần cuối đoạn dây vải, quay quả còn vài vòng theo chiều kim đồng hồ rồi mới tung lên, hướng vào vòng tròn trên đỉnh cột tre, quả còn bay trúng vào trong vòng tròn  thì lúc ấy mới được công nhận là thắng cuộc.

 

Ngày nay, tung còn không chỉ đơn thuần là một trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Thái mà còn đang được hướng đến là một bộ môn thể thao thi đấu mỗi dịp lễ hội, tết đến xuân về. Đây là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần, đồng thời cũng trở thành một nét văn hoá độc đáo, một sắc màu riêng của đồng bào dân tộc Thái. Trò chơi tung còn vừa có tính văn hóa vừa có tính thể thao, đồng thời rèn luyện sự tinh tế, khéo léo cho người chơi. Người chơi vừa được giao lưu, tỏ tình, kết duyên, vừa gắn bó, đoàn kết cộng đồng. Giải thưởng của trò chơi đôi khi chỉ là những lời chúc, chén rượu, chiếc khăn piêu hay đơn giản là tấm bánh, gói quà nhưng lại giúp tăng thêm tình đoàn kết giữa đồng bào dân tộc, góp phần làm đa dạng thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Trước đây, trò tung còn hầu như chỉ phổ biến trong cộng đồng dân tộc Thái, Mường. Nhưng hiện nay, bất cứ ai, thuộc bất cứ dân tộc nào đều có thể tham gia vào hội tung còn và nhận được sự cổ vũ của tất cả mọi người.

Phạm Hoa (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới