Thủ tướng: Tôn vinh và phát huy tài năng những “bàn tay vàng” của nghề gốm Chu Đậu

Nhấn mạnh đến vốn quý của làng nghề gốm Chu Đậu, Thủ tướng đề nghị cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu tiếp tục gìn giữ và phát huy tài sản quý giá này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cán bộ Công ty cổ phần gốm Chu Đậu.

10 ngày sau chuyến thăm bất ngờ Làng gốm sứ Bát Tràng của đất Thăng Long, Hà Nội, chiều 8/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Công ty cổ phần gốm Chu Đậu - doanh nghiệp gặt hái nhiều thành công trong việc phục dựng, sản xuất gốm Chu Đậu - một trong những cái nôi của nghề gốm Việt Nam từng bị đã thất truyền suốt 400 năm tại Thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Theo các nghiên cứu, di tích làng gốm Chu Đậu bắt đầu từ khoảng thế kỷ 11 và suy tàn vào khoảng thế kỷ thứ 17. Cho đến năm 1992, khi trục vớt con tàu đắm tại vùng biển Cù lao Chàm, các nhà khoa học đã tìm ra gần 40 vạn gốm cổ vật nằm sâu dưới đáy biển được định giá rất cao; trong đó có rất nhiều những tinh hoa sản vật Gốm Chu Đậu. Đến lúc đó, thương hiệu gốm sứ Chu Đậu bắt đầu được hồi sinh.

Khác với nét gốm Bát Tràng men trắng, hoa xanh, họa tiết có sự giao thoa của các nền văn hóa Ðông – Tây, gốm Chu Ðậu là gốm đạo, gốm bác học, men trắng, hoa lam, hoa văn, họa tiết thuần Việt in đậm dấu ấn trên mình những giá trị nhân văn của Phật giáo, Nho giáo.

Thấy được giá trị của việc phục dựng lại dòng gốm mỹ nghệ cao cấp thuần Việt và việc phát triển du lịch vùng nghề, làng nghề, năm 2001, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã quyết định thành lập Xí nghiệp Gốm Chu Đậu nay là Công ty cổ phần gốm Chu Đậu. Sau 15 năm với rất nhiều tâm huyết và hướng đi đúng đắn, Công ty đã và đang đạt được nhiều thành tựu trong phục hồi lại một thương hiệu gốm quý giá đã bị thất truyền.

Theo ông Nguyễn Hữu Thức, Giám đốc Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu, hiện nay, các sản phẩm gốm Chu Đậu rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại và được chia làm các dòng sản phẩm chính: truyền thống, tâm linh, gia dụng…và theo đơn đặt hàng. Đặc biệt năm 2014, Công ty đưa ra thị trường dòng sản phẩm Gốm vẽ Vàng kim cao cấp kết hợp giữa truyền thống và hiện đại được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Sau gần bốn thế kỷ bị mai một, gốm Chu Đậu đang dần hồi sinh. Ngoài thị trường trong nước, gốm Chu Đậu được xuất khẩu đến nhiều thị trường khác ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á… Đặc biệt, gốm Chu Đậu có mặt tại gần 50 bảo tàng trên thế giới, trong đó có những sản phẩm được định giá lên tới hàng triệu đô la.

Cùng với việc khôi phục nghề gốm cổ, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội đã chú trọng phát triển du lịch làng nghề, xây dựng gian trưng bày với 1.000m2 để trưng bày giới thiệu các sản phẩm phục chế các mẫu mã cổ; đồng thời xây dựng Không gian gốm Chu Đậu để hình thành điểm đến trong tour tuyến du lịch vùng Đông Bắc đất nước. Hàng năm, Chu Đậu đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan và mua sản phẩm làm quà lưu niệm. Thương hiệu Gốm Chu Đậu Hapro đã trở thành quen thuộc, thân thiết với nhiều khách hàng Việt Nam và quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm quan cơ sở sản xuất, quy trình chế tác; chiêm ngưỡng các sản phẩm đặc sắc của Công ty cổ phần gốm Chu Đậu và tham quan Không gian Gốm Chu Đậu.

Nói chuyện với cán bộ, công nhân viên của Công ty, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến giá trị nghệ thuật to lớn của gốm cổ Chu Đậu - một sản phẩm truyền thống nổi tiếng của Việt Nam đã từng xuất khẩu đi khắp năm châu từ nhiều thế kỷ trước.

Thủ tướng vui mừng và đánh giá cao việc những năm gần đây gốm Chu Đậu dưới sự đầu tư sản xuất của Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu đã liên tục đạt được nhiều thành công với những sản phẩm có giá trị tốt, được đánh giá cao ở thị trường trong và ngoài nước.

Nhấn mạnh đến vốn quý của làng nghề gốm Chu Đậu, Thủ tướng đề nghị cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu tiếp tục gìn giữ và phát huy tài sản quý giá này. Cùng với đó, Công ty cần có chính sách phù hợp nhằm tôn vinh, đãi ngộ và phát huy tài năng các nghệ nhân, những “bàn tay vàng” của nghề gốm Chu Đậu; nâng cao hơn nữa đời sống công nhân, người lao động. Thủ tướng cũng lưu ý Công ty cần gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ, không ngừng mở rộng thị trường, coi đây là hướng đi quan trọng của doanh nghiệp.

Nhắc lại câu nói của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp: “Gốm Chu Đậu, tinh hoa văn hóa Việt Nam”, Thủ tướng mong muốn Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu phát triển mô hình sản xuất ở quy mô lớn hơn, để những sản phẩm gốm Chu Đậu - niềm tự hào của dân tộc Việt  Nam tiếp tục vươn xa hơn nữa trên thị trường thế giới.

Song song với đó, Thủ tướng cũng gợi ý Công ty thường xuyên thay đổi mẫu mã, đầu tư, ứng dụng nhiều hơn nữa khoa học công nghệ vào sản xuất và chú trọng hơn nữa đến thị trường trong nước. Muốn vậy, Công ty cần đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn về sản phẩm để được người tiêu dùng chấp nhận./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đảng bộ xã Nậm Lạnh chú trọng phát triển đảng viên

    Đảng bộ xã Nậm Lạnh chú trọng phát triển đảng viên

    Xây dựng Đảng -
    Nậm Lạnh là xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Sốp Cộp. Những năm trước đây, cơ sở hạ tầng yếu kém; trình độ dân trí chưa đồng đều, nhiều người chưa biết đọc, biết viết; nhiều bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ. Một số bản có chi bộ, nhưng lại thiếu đảng viên trẻ, nhất là ở các bản vùng sâu, vùng cao, như Bánh Han, Kéo Vai, Hua Lạnh...
  • 'Kết nối tạo việc làm cho người lao động

    Kết nối tạo việc làm cho người lao động

    Xã hội -
    Huyện Phù Yên đã tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp nghề; phối hợp tổ chức ngày hội việc làm, giúp người lao động được tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động để có thêm nhiều cơ hội lựa chọn, tìm kiếm việc làm phù hợp với điều kiện, khả năng, trình độ của bản thân.
  • 'Mường La triển khai công tác tuyển quân

    Mường La triển khai công tác tuyển quân

    Quốc phòng -
    Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Bước vào đợt tuyển quân năm 2025, cấp ủy, chính quyền huyện Mường La đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phấn đấu hoàn thành tốt chỉ tiêu được cấp trên giao.
  • 'Tuổi trẻ Công an Vân Hồ hướng về cộng đồng

    Tuổi trẻ Công an Vân Hồ hướng về cộng đồng

    Xã hội -
    Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ, Đoàn Thanh niên Công an huyện Vân Hồ luôn phát huy vai trò xung kích vì cuộc sống cộng đồng, thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Bằng những việc làm ý nghĩa, thiết thực đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh người chiến sĩ công an vì nhân dân phục vụ.
  • 'Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX

    Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX

    Kinh tế -
    Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, thành phố Sơn La đã khuyến khích các hộ nông dân liên kết thành lập hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ các hợp tác xã đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
  • 'Tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo

    Tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo

    Xã hội -
    Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên, đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế theo thế mạnh của địa phương, lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp, nâng cao thu nhập cho nhân dân.