Sông Mã làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở

Sau 3 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Sông Mã ngày càng đi vào nền nếp, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp.

Tiểu phẩm tham dự Hội thi hòa giải viên giỏi tỉnh lần thứ 3, năm 2016 của Đội hòa giải viên giỏi huyện Sông Mã.

Hiện nay, Sông Mã có 467 tổ hòa giải với 2.887 hòa giải viên, mỗi tổ hòa giải trung bình có từ 3-5 thành viên, hầu hết là người có uy tín, người hiểu biết pháp luật tham gia, gồm: Đại diện ban công tác mặt trận, trưởng bản (hoặc tổ trưởng tổ dân phố), bí thư chi bộ, các chi hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, người cao tuổi. Việc củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải ở cơ sở luôn gắn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, hàng năm, việc bầu và miễn nhiệm tổ viên, tổ trưởng tổ hòa giải được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của Luật hòa giải ở cơ sở và văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, nhiều xã, thị trấn đã xây dựng được quy chế hòa giải ở cơ sở, quy định trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác hòa giải trên tinh thần Luật Hòa giải ở cơ sở 2013; duy trì chế độ thông tin, báo cáo, thống kê và tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Hầu hết các xã, bản đều xây dựng hương ước, quy ước nếp sống văn hoá...

Ông Quàng Văn Tiện, Trưởng phòng Tư pháp huyện, trao đổi: Để Luật Hòa giải ở cơ sở được triển khai thực hiện có hiệu quả, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức mở hội nghị triển khai nội dung của Luật Hòa giải ở cơ sở; chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải và các tổ hòa giải tại các bản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Thông qua các hội nghị, sinh hoạt chi bộ, họp dân, trên hệ thống loa truyền thanh của xã, bản, cấp phát tài liệu...; cử 20 hòa giải viên đi tập huấn về công tác hòa giải do tỉnh tổ chức; cấp phát 467 bộ tài liệu về Luật Hòa giải ở cơ sở, cuốn sổ tay hòa giải; cử tổ hòa giải tham gia Hội thi hòa giải viên giỏi của tỉnh...

Không chỉ vậy, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, làm giảm hành vi vi phạm pháp luật. Trong 3 năm qua, trên địa bàn huyện đã tiếp nhận 380 vụ việc, trong đó, hòa giải thành 269 vụ, tỷ lệ trung bình đạt trên 85%, số vụ hòa giải không thành 81 vụ, hiện đang giải quyết 30 vụ việc. Một số xã, thị trấn có  tỷ lệ vụ việc hòa giải thành công cao, như: Thị trấn 85%, Yên Hưng 80%, Chiềng Cang 80%, Mường Hung 75%... Thông qua hoạt động hòa giải, các bên tự thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, góp phần giảm các vụ việc phải chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Gần đây nhất, tại bản Hát 8, xã Mường Hung, xảy ra mâu thuẫn việc mua bán vườn nhãn non giữa gia đình ông Vũ Duy Ta và ông Nguyễn Văn Sông, từ những khúc mắc ban đầu do gia đình ông Sông mua vườn nhãn non của ông Ta với giá 29 triệu để chăm sóc và thu hoạch toàn bộ quả năm 2017, sau khi thu hoạch xong, ông Sông sẽ trả lại toàn bộ vườn nhãn cho ông Ta, nhưng sau đó, ông Sông thấy cây ra hoa ít, khả năng sẽ bị lỗ cao, ông Sông đã “rút lui”, không mua vườn nhãn nữa, vậy là xảy ra mâu thuẫn, điều qua tiếng lại. Trước tình hình đó, hòa giải viên của tổ hòa giải bản Hát 8 phối hợp với Ban công tác mặt trận bản, tổ liên gia và người hiểu biết về pháp luật tìm hiểu tình hình thực tế, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của 2 gia đình, tìm ra nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn và chọn phương án vận động ông Sông nhìn nhận lại vấn đề trên cơ sở pháp lý, chấp nhận theo thỏa thuận ban đầu giữa 2 bên gia đình. Kết quả, mâu thuẫn giữa hai gia đình đã được hóa giải, đảm bảo tình làng, nghĩa xóm và trên cơ sở tuân thủ pháp luật.

Tuy nhiên, cũng theo ông Quàng Văn Tiện, công tác hòa giải ở cơ sở còn gặp nhiều vướng mắc, đó là trang bị kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ cần thiết cho hòa giải viên còn ít; nhiều hòa giải viên hạn chế về kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải do chưa được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật hòa giải ở cơ sở, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác hòa giải; thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên; đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiệp vụ hòa giải, cung cấp tài liệu cho hòa giải viên; quan tâm bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở; kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân có nhiều đóng góp cho lĩnh vực này. Mặt khác, các cấp, các ngành chức năng cần quan tâm củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoà giải các vụ việc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng ý thức “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong đồng bào các dân tộc.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới