Bắt đầu từ km số 0 tại Ít Ong, huyện Mường La, nơi đứng chân của công trình thủy điện thế kỷ, du khách ngược dòng về thượng nguồn, hoặc từ trung tâm huyện thuộc xã Mường Giàng, xuôi xuống cầu Pá Uôn, tham gia hành trình trải nghiệm du lịch lòng hồ Quỳnh Nhai, tận hưởng cảm giác lạc vào “chốn bồng lai” với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của “Hạ Long” thu nhỏ giữa trời mây, núi rừng Tây Bắc.
Với sự quan tâm, tạo điều kiện, cùng những chính sách thu hút đầu tư cởi mở, phù hợp của tỉnh và huyện, nhiều cá nhân đã mạnh dạn, tiên phong khai thác tiềm năng du lịch lòng hồ. Điển hình là chàng trai dân tộc Thái Là Văn Phong, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, năng động khởi nghiệp bằng dịch vụ du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La.
Hợp tác xã của anh Phong ngày càng phát triển mạnh, đã chuyển sang thành lập Công ty cổ phần du lịch Quỳnh Nhai Travel, đầu tư 3 du thuyền 2 tầng với công năng phục vụ 200 người/lượt, cùng các điểm tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, ăn uống vui chơi trên đảo Đà Giang và vịnh Uy Phong.
Năm 2007, cây cầu Pá Uôn được xây dựng tại xã Chiềng Ơn với chiều dài 918 m, trụ cầu cao tới 98,6 m được xác lập kỷ lục là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam bắc qua sông Đà. Khi lòng hồ tích nước, cầu Pá Uôn như dải lụa dài vắt ngang nối đôi bờ sông Đà. Từ trên cầu có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn toàn cảnh lòng hồ mênh mông, rộng lớn giữa khung cảnh núi non trùng điệp, hùng vĩ. Năm 2016, thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, cảng Pá Uôn gắn với du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La được đầu tư xây dựng; hàng chục bến thuyền ven lòng hồ thủy điện Sơn La cũng được hình thành.
Cây cầu Pá Uôn trở thành “tâm điểm” của các dịch vụ du lịch trải nghiệm, từ nơi chân cầu kéo dài hành trình theo lòng hồ rộng lớn. Bên đầu cầu là khu tổ hợp khách sạn Trung Kiên, Khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai đang dần hoàn thiện.
Còn chân cầu bên kia là khu du lịch sinh thái Pauon Ecolakes với tổ hợp các homestay, chòi ngắm cảnh có tầm nhìn hướng ra lòng hồ, được thiết kế độc đáo, tô điểm thêm sức sống mới cho đôi bờ sông Đà.
Từ những ý tưởng táo bạo của những người “dám nghĩ, dám làm”, du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La dần thành hình và phát triển theo năm tháng, tạo thành các sản phẩm du lịch mang đặc trưng, riêng có của vùng sông nước.
Cùng với phát huy lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, huyện Quỳnh Nhai chú trọng khai thác và phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch về văn hóa, tâm linh, tạo nên các sản phẩm du lịch vùng lòng hồ ngày càng đa dạng. Hội tụ đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc vùng lòng hồ là lễ hội đua thuyền truyền thống gắn với Tuần văn hóa, thể thao và du lịch huyện Quỳnh Nhai được tổ chức hằng năm, thu hút du khách bốn phương về trải nghiệm.
Các di sản văn hóa của đồng bào dân tộc như: Lễ hội Kin Pang Then, lễ hội gội đầu của dân tộc Thái; lễ hội rượu cần của dân tộc La Ha; lễ hội Xé Pang Á của dân tộc Kháng… Những điệu dân ca, dân vũ dân tộc, hát then, đàn tính… được các thế hệ trao truyền, thành lập các đội văn nghệ để gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc, tôn vinh các nghệ nhân dân gian, phát triển tinh hoa ẩm thực dân tộc…, hình thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, thêm điểm nhấn cho du lịch vùng lòng hồ.
Mường Chiên, trung tâm huyện lỵ cũ của Quỳnh Nhai vốn là cái nôi văn hóa truyền thống của đồng bào Thái trắng bên sông Đà. Năm 2011, huyện đã tổ chức di dời đền Nàng Han (đền thờ nữ tướng Nàng Han, có công dẹp giặc, giữ yên bờ cõi quê hương của đồng bào Thái) và đền Linh Sơn Thủy Từ (đền thờ thần sông, thần núi, tạo bản, tạo mường có công khai phá Quỳnh Nhai) từ Mường Chiên đến khu Huổi Nghịu, xã Mường Giàng. Các đền thờ được khôi phục nguyên trạng trên cơ sở các cổ vật linh thiêng từ ngôi miếu thờ thần sông, thần núi được tạo lập từ trước thế kỷ XVII tại xã Mường Chiên. Đồng thời, đầu tư xây dựng khang trang hơn, đáp ứng nguyện vọng của bà con bản địa, lưu giữ truyền thống và niềm tự hào dân tộc.
Phát huy thế mạnh của vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, với mục tiêu phát triển Quỳnh Nhai thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh với định hướng phát triển lâu dài, bền vững, huyện quy hoạch và xây dựng khu du lịch tâm linh gần 20 ha. Năm 2018, tượng Phật Bà Quan Âm được khởi công xây dựng tại đây và hoàn thành vào cuối năm 2020 hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa. Tượng phật có chiều cao 32 m, ở thế "tựa sơn hướng thủy", lưng tựa vào dãy núi đá vôi, mặt hướng ra sông Đà.
Huyện đang tiếp tục thực hiện các bước quy hoạch xây dựng quần thể các công trình chùa chiền, tháp bút và các hạng mục phụ trợ, đáp ứng nhu cầu văn hóa sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân địa phương và du khách; phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, hướng thiện, nhân văn “tốt đời, đẹp đạo". Khu du lịch văn hóa tâm linh của huyện đang dần được hoàn thiện, thu hút đông đảo du khách về vãn cảnh, cầu an, nhất là dịp đầu năm.
Ngược dòng về Mường Chiên là tượng Phật A Di Đà ở thế ngồi trên đỉnh ngọn núi giữa lòng hồ rộng lớn. Cách đó không xa là cột mốc huyện Quỳnh Nhai cũ được dựng trên tháp truyền hình trước đây. Trong hành trình đó, du khách còn có thể đến thắp nhang cầu an tại miếu Long Vương, tắm suối khoáng nóng bản Bon; trên du thuyền thăm vịnh Uy Phong, vịnh Bình Yên, đảo Trái Tim, đảo Đà Giang, trải nghiệm các dịch vụ lưu trú, vui chơi, ăn uống, chèo thuyền hấp dẫn.
Năm 2023, Quỳnh Nhai đón trên 215.000 lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 86 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2024, Quỳnh Nhai đón trên 176 nghìn lượt khách, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu ước đạt 70.500 triệu đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023.
Tiềm năng du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La đã được đánh thức. Cùng với các chính sách thiết thực, phù hợp, những con người tâm huyết với du lịch lòng hồ đang xây dựng và phát triển tiềm năng đó thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Du lịch đang làm thay đổi diện mạo và cuộc sống của người dân vùng lòng hồ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội nơi đây phát triển gắn với bảo tồn giá trị văn hóa cốt lõi và truyền thống của địa phương. (còn nữa)
Bài, ảnh: Thanh Đào - Hoàng Giang - Thiết kế: Bảo Khánh
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!