Phiêng Cành duy trì nét độc đáo nghề thêu thổ cẩm

Mỗi dân tộc có một nét văn hóa, phong tục, lối sống, trang phục riêng. Với đồng bào dân tộc Mông, một trong những nét văn hóa đặc sắc là những bộ trang phục thổ cẩm rực rỡ màu sắc. Đã từ lâu đời, không chỉ giỏi trồng đay, se lanh dệt thổ cẩm, mà những người phụ nữ Mông ở bản Phiêng Cành, xã Tân Lập (Mộc Châu) còn thêu được những bộ váy, áo đẹp phục vụ gia đình.

 

Phụ nữ dân tộc Mông bản Phiêng Cành, xã Tân Lập (Mộc Châu) lưu giữ nghề thêu thổ cẩm.

Cũng giống như đồng bào dân tộc Mông ở nhiều vùng, nghề thêu thổ cẩm của người phụ nữ Mông ở bản Phiêng Cành đều hoàn toàn thủ công bằng chính đôi tay khéo léo, tỷ mỷ của mình. Người phụ nữ Mông ngay từ khi còn nhỏ đã được các bà, các mẹ dạy cách khâu vá, thêu thùa, vì theo quan điểm của đồng bào Mông, đàn ông là trụ cột gia đình phải gánh vác những việc lớn, còn phụ nữ chăm sóc gia đình. Những thiếu nữ Mông khi trưởng thành đi lấy chồng đều biết thêu thùa, khâu vá. Để có sản phẩm thêu thổ cẩm phải trải qua nhiều công đoạn, từ trồng đay, se lanh, dệt, nhuộm vải rồi thêu.Thổ cẩm là loại vải chủ yếu để may quần áo của bà con dân tộc Mông, những họa tiết trang trí trên váy áo của người Mông chủ yếu là đường diềm hình chữ thập, chữ đinh, kết hợp với các ô hình quả trám hoặc tam giác có các đường viền hình gẫy khúc bố cục khác nhau, lúc thẳng đứng, lúc nằm ngang tạo những cách trang trí hoa văn linh hoạt. Ngoài các họa tiết trên, phụ nữ Mông còn thành thục trong việc bố cục các hình tròn, đường cong, hình xoáy trôn ốc hay là hai hình xoáy trôn ốc ngược chiều được bố trí đối xứng, hoặc những loại họa tiết có đường cong đối xứng qua trục quay hình chữ S. Màu sắc ưa dùng trong thêu và chắp vải là màu đỏ, nâu, vàng, trắng, xanh lá cây. Kỹ thuật thêu có hai cách là thêu lát và thêu chéo mũi, cách thêu này tạo nét mềm mại, phóng khoáng, không bị gò bó như thêu luồn sợi, dựa theo thớ vải ngang, dọc mà các dân tộc khác thường làm. Trước khi thêu, các họa tiết đều được vẽ tỷ mỷ bằng sáp ong tạo ra những nét hoa văn rất riêng biệt và đặc sắc, không hề lẫn lộn với các trang trí của dân tộc khác.

Chị Sồng Thị Mỷ, người đã có kinh nghiệm nhiều năm thêu thổ cẩm cho biết: Để thêu được một chân váy thổ cẩm hoàn chỉnh mất khá nhiều thời gian, nếu như chăm chỉ thì một năm người phụ nữ Mông sẽ thêu được 3 chân váy, 2 đôi tay áo, sau khi thêu xong người ta mới may ráp với nhau thành váy, áo. Đối với đồng bào Mông, những ngày thường thì mặc quần áo đơn giản, còn vào các dịp lễ, tết thì mặc quần áo mới. Bây giờ, có nhiều du khách đến tham quan, nên nhiều gia đình trong bản cho thuê trang phục để khách mặc quay phim, chụp ảnh.

Ngày nay, có nhiều máy móc, dụng cụ phục vụ việc may vá và thêu thùa, nhưng việc thêu thổ cẩm của đồng bào Mông ở bản Phiêng Cành vẫn luôn được những người phụ nữ làm thủ công, thể hiện sự khéo léo, tài tình, chăm lo gia đình và lưu giữ nghề truyền thống.

A Trứ (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới