Phát huy giá trị di chỉ Mái đá bản Mòn và di tích cầu Nà Hày

Thôm Mòn (Thuận Châu) có 2 di tích lịch sử cấp tỉnh là di tích Mái đá bản Mòn và cầu Nà Hày. Đây là hai di tích có giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ cần được quan tâm quản lý, bảo vệ và phát huy.

Dẫn chúng tôi đi thăm các di tích, chị Tòng Thị Lanh, công chức văn hóa xã hội xã Thôm Mòn, kể: Cầu Nà Hày được xây dựng bằng xi măng cốt thép, bắc qua suối Muội, nên người dân địa phương thường gọi là cầu suối Muội. Trong 4 năm (1965-1968), cây cầu đã hứng chịu 14 trận bom, với 350 quả bom các loại của đế quốc Mỹ, ác liệt nhất là từ tháng 8/1965, đến cuối năm 1966, cầu bị phá hủy hoàn toàn. Với tinh thần “Địch phá ta sửa ta đi”, ngay khi khói bom chưa tan, lực lượng công nhân, du kích bảo vệ cầu đã khẩn trương sửa chữa, đảm bảo giao thông thông suốt.

           

Di chỉ Mái đá bản Mòn, xã Thôm Mòn không chỉ có giá trị khảo cổ học mà còn có ý nghĩa lịch sử.

           

 Tiếp tục đến Mái đá bản Mòn, cách UBND xã chừng 500m, đây là di chỉ khảo cổ học do nữ học giả người Pháp, bà M.Côlani phát hiện và khai quật tháng 5-6/1927. Nơi đây như một xưởng chế tác công cụ lao động và đồ trang sức thuộc niên đại hậu kỳ đá mới. Di chỉ có 6 mái đá, tuy nhiên, chỉ có mái đá ở phía tây và đông có vết tích cư trú của người Việt cổ. Tại đây, thu lượm được nhiều loại hình hiện vật quý hiếm, như rìu có chuôi tra cán, rìu mài toàn thân, đục tứ giác mài toàn thân lưỡi vát một mặt và những mảnh vòng khoan tách lõi làm từ đá phiến... Không chỉ có giá trị khảo cổ học, nơi đây còn là chứng tích lịch sử, là nơi tập kết lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (1953-1954) và nơi sơ tán để đảm bảo an toàn và bí mật của các cơ quan của huyện Thuận Châu trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965-1968).

           

Ông Lò Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thôm Mòn rất tự hào khi có di chỉ Mái đá và cầu Nà Hày với bề dày lịch sử. Việc bảo tồn những di tích này được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm. Xã đã thành lập Ban quản lý di tích; cắm biển báo tại các điểm di tích để du khách và nhân dân địa phương biết. Định kỳ hàng quý, Đoàn thanh niên xã phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức vệ sinh, trồng hoa, cây xanh và tổ chức cho học sinh tìm hiểu giá trị của di tích.

           

 Gần đây, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học và Hội Khảo cổ học Việt Nam thám sát và khai quật di chỉ Mái đá bản Mòn, thu được trên 1.000 hiện vật đồ đá đặc trưng của giai đoạn văn hóa Hòa Bình, niên đại 10.000 - 6.000 năm; gần 2.000 mảnh gốm có niên đại 3.000 năm; 1 rìu đồng đặc trưng cho văn hóa Đông Sơn miền núi... Đây là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu lịch sử văn hóa, biên soạn địa chí và trưng bày phục vụ du lịch tại Bảo tàng tỉnh.

           

Tuy nhiên, hiện nay các di tích này đang có dấu hiệu xuống cấp. Thành cầu Nà Hày bị phong hóa, sắt lan can cầu bị han gỉ, một số vị trí trụ lan can bị gãy. Việc lấn chiếm, xâm phạm đất đai khu vực di chỉ Mái đá bản Mòn vẫn còn xảy ra...

           

Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích hiệu quả, thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền địa phương cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức thu hồi đất, cắm mốc, khoanh vùng bảo tồn; kiểm kê, đánh giá tình trạng xuống cấp của từng loại di tích để kiến nghị phương án sửa chữa, trùng tu, tôn tạo di tích xứng tầm với giá trị lịch sử, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và tạo thêm điểm đến để địa phương phát triển du lịch trong thời gian tới.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới