Nơi sinh hoạt cộng đồng

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhiều nhà văn hóa xã, bản trên địa bàn huyện Phù Yên được xây dựng, đáp ứng nhu cầu tổ chức hội họp và các hoạt động cộng đồng ở khu dân cư, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Nhà văn hóa xã Tân Phong (Phù Yên) được đầu tư xây dựng khang trang tạo thuận lợi tổ chức các cuộc sinh hoạt.

Ông Lê Mạnh Hà, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phù Yên, cho biết: Những năm qua, từ nhiều nguồn kinh phí huyện đã hỗ trợ các xã, bản xây dựng nhà văn hóa. Đặc biệt là thực hiện hiệu quả việc lồng ghép nguồn kinh phí từ chương trình xây dựng nông thôn mới và huy động nguồn lực từ nhân dân, như góp tiền, hiến đất, công lao động tham gia xây dựng nhà văn hóa. Riêng năm 2020, toàn huyện có 38 bản được xây mới nhà văn hóa, với tổng mức đầu tư trên 34 tỷ đồng. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với UBND các xã rà soát, thống kê nhà văn hóa các bản đã xuống cấp hoặc chưa được đầu tư xây dựng.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Phù Yên có 26/27 xã, thị trấn có nhà văn hóa đảm bảo các tiêu chuẩn của bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 185/215 bản có nhà văn hóa được xây dựng quy mô nhà cấp 4 trở lên, trong đó 67 nhà văn hóa bản đạt chuẩn theo quy định. Đây là những địa điểm luyện tập thường xuyên của 215 đội văn nghệ quần chúng và 62 câu lạc bộ thể dục thể thao, chuẩn bị cho các cuộc giao lưu, thi đấu, tham gia các hội diễn văn nghệ quần chúng, giải thể thao phong trào do huyện tổ chức.

Đặc biệt, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy ban Bầu cử huyện Phù Yên chỉ đạo các đơn vị bầu cử tiến hành rà soát, lựa chọn 178 nhà văn hóa bản làm điểm bỏ phiếu bầu cử, đáp ứng được các tiêu chí rộng, thoáng và đảm bảo khoảng cách phòng dịch COVID-19. Các bản đã tích cực dọn dẹp, trang trí khánh tiết nhà văn hóa được lựa chọn làm điểm bỏ phiếu.

Mường Cơi là một trong những xã đi đầu trong xây dựng nhà văn hóa bản, hiện tại 16 bản đều có nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn. Chủ trương xây dựng nhà văn hóa đưa ra bàn bạc thảo luận tại các bản và nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của người dân. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân tích cực góp tiền, công sức để thực hiện, góp phần hoàn thành mục tiêu cán đích nông thôn mới vào năm 2019.

Chị Sa Thị Vy, bản Băn, phấn khởi: Hàng ngày, nhân dân trong bản đều tham gia các hoạt động thể dục, thể thao tại sân nhà văn hóa, vui nhất là các dịp lễ, tết. Các cuộc họp của bản, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất... tại nhà văn hóa bản cũng thuận lợi hơn, vì các trang thiết bị bàn, ghế, loa, đài đã được đầu tư đồng bộ, đáp ứng tốt cho các hoạt động cộng đồng.

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện còn 50 nhà văn hóa bản thuộc 19 xã chưa được đầu tư xây dựng; một số nhà văn hóa bản xuống cấp do thời gian sử dụng đã lâu; một số bản sau khi sáp nhập số lượng dân cư tăng lên, nhưng diện tích nhà văn hóa nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu hoạt động văn hóa của nhân dân…

Tại xã Mường Bang, nhà văn hóa của 9 bản trong xã đều được dựng bằng gỗ, hiện đã xuống cấp, cùng với quy mô dân số tăng sau khi thực hiện việc sáp nhập các bản không đủ điều kiện, nên khó đáp ứng được việc tổ chức các sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Ông Phùng Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Mường Bang, thông tin: Xã đã rà soát nhà văn hóa các bản xuống cấp, hoặc không đảm bảo cơ sở vật chất để có kế hoạch đề nghị huyện hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa nâng cấp. Đồng thời, chỉ đạo các bản huy động nguồn lực trong nhân dân sửa chữa, cải tạo nhà văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân các bản.

Năm 2021, huyện dự kiến đầu tư xây dựng 12 nhà văn hóa bản bằng các nguồn kinh phí nhà nước và huy động nguồn xã hội hóa, từng bước phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% xã, bản có nhà văn hóa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh vào năm 2025.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới