Những năm tháng không thể quên

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đến thăm gia đình cựu chiến binh Đồ Xuân Quyết, tiểu khu 2, xã Tông Lạnh (Thuận Châu). Dáng người nhỏ gọn, tính cách chân thành, mộc mạc, giản dị, đậm chất lính “Bộ đội Cụ Hồ” là ấn tượng đầu tiên khi gặp ông Đồ Xuân Quyết.

Cựu chiến binh Đỗ Xuân Quyết (người ngồi giữa) kể lại những năm tháng tham gia chiến đấu cùng đồng đội.

Khi hỏi về những năm tháng tham gia quân ngũ, giọng trầm hùng ông Quyết kể lại: Mùa xuân 1972, tạm biệt quê hương Thái Thọ, Thái Thụy (Thái Bình) lên đường nhập ngũ khi tròn 22 tuổi, tôi được biên chế vào Sư đoàn 207. Sau 3 tháng huấn luyện, 9 tháng đào tạo quân y tại Quân khu 3, cuối năm 1972, tôi di chuyển vào huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, biên chế trong đội lưu động chuyển thương binh từ chiến trường ra vùng hậu cứ. Trên cung đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để lại cho tôi những kỷ niệm không thể nào quên, nhất là những ngày chuẩn bị chiến dịch giải phóng miền Nam. Trong những khu rừng già dọc đường Trường Sơn, bộ đội ngày đêm hành quân, thanh niên xung phong, lực lượng chính trị của ta sẵn sàng vào tiếp quản miền Nam ngay sau khi giải phóng. Đi dưới nắng tháng 3, dọc đường Trường Sơn có những đoạn bụi đất ngập quá mắt cá chân, những chị em thanh niên xung phong bị bụi đỏ phủ khắp người, lúc đó, tôi cảm nhận ở họ sự quả cảm, sức sống kỳ diệu, bất chấp bom đạn của kẻ thù ngày đêm bám trụ bảo đảm cung đường thông suốt và giúp chúng tôi chăm sóc thương binh tại những nơi nghỉ chân.

Khi hỏi về những kỷ niệm sâu sắc nhất trong những ngày quân ngũ, ông Quyết trầm ngâm một lát, khóe mắt rớm nước mắt. Ông chia sẻ: Mỗi khi nhớ về những kỷ niệm xưa là tôi lại bồi hồi, xúc động, nhớ về đồng đội và những năm tháng không thể nào quên... Ngày đó, với nhiệm vụ của đội vận chuyển thương binh, hằng ngày thường xuyên phải trú ẩn trong rừng, trong hang để tránh bom đạn của kẻ thù, tối đến, anh em mới đón, đưa thương binh, trung bình 1 chuyến di chuyển từ 20-30 thương binh từ chiến trường về hậu cứ để tiếp tục điều trị. Ngày đó, đang còn thanh niên tôi khỏe lắm, lại có nhóm máu O có thể truyền cho tất cả các nhóm máu khác, nên từ năm 1972-1975, trung bình mỗi năm tôi hiến máu cho đồng đội từ 3-4 lần, lần ít thì 200 ml máu, nhiều thì cũng phải 300 ml máu. Thời chiến, hiến máu xong cũng chẳng kịp nghỉ ngơi, có chăng đồng đội tăng thêm khẩu phần ăn để lấy lại sức, nhưng thấy những giọt máu đào cứu sống đồng đội là mọi mệt mỏi trong tôi tan biến. Tôi nhớ trong một lần đón anh lính đặc công tên là Nghệ bị thương nặng, mất rất nhiều máu, mà trên xe hết máu dự trữ, tôi đã hiến 300 ml máu kịp thời cứu sống được anh. Lúc anh Nghệ tỉnh lại hai anh em ôm chầm lấy nhau, rưng rưng nước mắt, không nói nên lời. Vào thời điểm ngày 30/4/1975, khi anh em trong đội đang ở ngoại ô Sài Gòn để đón thương binh, thì nghe tin trên trên Đài Tiếng nói Việt Nam, quân ta tiến vào làm chủ Dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ai nấy đều mừng vui khôn xiết, mừng vì đất nước đã hoàn toàn giải phóng, mừng vì sẽ không còn đồng đội bị thương, hi sinh trên chiến trường...

Sau khi giải phóng, ông Quyết tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận chuyển thương binh ra ngoài Bắc, đến năm 1976, vì sức khỏe suy giảm (do hiến máu nhiều lần) ông được cho về điều trị tại Đoàn an dưỡng tỉnh Thái Bình. Tại đây, với kinh nghiệm của người y sĩ lăn lộn tại chiến trường nên ngoài dưỡng bệnh ông còn được đơn vị giao nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho các thương bệnh binh khác. Đến năm 1978, ông thi đỗ vào Đại học Quân y nhưng do sức khỏe yếu không thể theo học được. Năm 1982, ông trở về quê hương Thái Thọ, Thái Thụy (Thái Bình) với bệnh binh hạng 2/3 (mất 61% sức khỏe). Đến năm 1985, ông Quyết cùng gia đình đến lập nghiệp và sinh sống tại xã Tông Lạnh (Thuận Châu) từ đó đến nay. Trở về cuộc sống đời thường ông luôn giữ phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ”, cùng vợ con chăm chỉ lao động sản xuất, nuôi dạy các con nên người. 

Chia tay ông Quyết, chúng tôi càng trân trọng, biết ơn những đóng góp, hy sinh to lớn của thế hệ cha ông đi trước, để chúng ta có cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay, đây là động lực để thế hệ trẻ ra sức học tập, cống hiến xứng đáng với truyền thống của cha ông.

 

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới