Xuất thân trong gia đình không có ai theo con đường nghệ thuật, nhưng chàng trai Phạm Hồng Thu đến với âm nhạc như “định mệnh”. Cả về chuyên môn nghệ thuật và lãnh đạo quản lý, Nghệ sỹ ưu tú Phạm Hồng Thu, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La, thể hiện vai trò là “Nhạc trưởng - Tổng đạo diễn”, dẫn dắt Nhà hát khẳng định tầm cỡ đơn vị nghệ thuật mạnh trong khu vực miền núi phía Bắc và toàn quốc.
Với anh là “nghề chọn người”. Thời trai trẻ anh chỉ nghĩ đàn ca văn nghệ “cho vui”, tự mầy mò học đàn ghi ta nhưng không ngờ lại thi đỗ vào Trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, phân học chuyên ngành đàn Phong Cầm (accordion) cổ điển phương Tây - loại đàn đa năng trong các chương trình nghệ thuật. Năm 1992, anh xin vào Đoàn Ca múa kịch Sơn La (nay là Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La). Ngày ấy, Đoàn Ca múa kịch thiếu nhạc công, toàn “đánh vo”, không có nhạc trưởng, không có phối khí, mỗi người chơi mỗi phách, mỗi tông khác nhau rất khó cho ca sỹ khớp nhạc. Sau nhiều trăn trở và “tầm sư học đạo”, năm 1996, anh thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội, chuyên ngành đại học sáng tác. “Nhà nghèo lại chơi sang” bởi ngành anh theo học được ví như ngành học “đại gia”, rất tốn kém mua nhạc cụ, thuê nhạc công và ca sỹ thể hiện tác phẩm mình sáng tác, nên có gì giá trị, anh đều bán hết để theo nghiệp. Sau 5 năm, anh tốt nghiệp loại xuất sắc, với “Tổ khúc giao hưởng Tây Bắc”.
Nhạc sỹ Phạm Hồng Thu nhận danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú.
Trở lại công tác, bằng kiến thức đào tạo bài bản, anh đã từng bước vực âm nhạc của đơn vị lên, có tính chuyên nghiệp cao hơn. Anh được lãnh đạo giao làm Đội trưởng đội ca nhạc từ năm 1996-2006. Đến năm 2006, được bổ nhiệm Phó trưởng đoàn phụ trách chuyên môn; trực tiếp tham gia sáng tác, dàn dựng, phối khí toàn bộ dàn nhạc. Cuối năm 2009, anh được bổ nhiệm Phó trưởng đoàn phụ trách, đến năm 2010, làm Trưởng đoàn (Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La).
Với cương vị là người lãnh đạo Nhà hát, anh cùng Ban Giám đốc thay đổi phương pháp quản lý, tổ chức biểu diễn, nâng cao chất lượng xây dựng chương trình biểu diễn phục vụ chương trình chính trị. Trước mắt là tăng cường phối hợp với các nghệ sỹ Trung ương, tầm nhìn về lâu dài là đào tạo, phát triển đội ngũ diễn viên. Khuyến khích, định hướng, cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ tại các trường danh tiếng như Nhạc viện Hà Nội, Đại học văn hóa nghệ thuật Quân đội, Học viện múa Việt Nam. Đến nay, Nhà hát có 4 nhạc sỹ, 4 biên đạo múa và 1 đạo diễn sân khấu. Nhà hát chủ động hoàn toàn xây dựng các chương trình nghệ thuật, được Trung ương trưng tập tham gia biểu diễn ở nước ngoài, sự kiện lớn của đất nước, như: APEC 2017, Đại hội dân tộc thiểu số Việt Nam; chương trình nghệ thuật “Sắc màu Việt” chào mừng các đoàn đại biểu do Chủ tịch Nghị viện và Chủ tịch Quốc hội của 27 quốc gia thành viên ở các châu lục tham gia tại Hội nghị Liên minh Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF 26) do Việt Nam đăng cai; chương trình nghệ thuật “Hồn Việt” biểu diễn trong sự kiện Những ngày Văn hóa Việt Nam tại thủ đô Luân Đôn (Vương quốc Anh) và thủ đô Amsterdam (Hà Lan)...
Về chuyên môn, Nghệ sỹ ưu tú Phạm Hồng Thu là “Nhạc trưởng - Tổng đạo diễn” chỉ đạo xây dựng các chương trình nghệ thuật tham gia nhiều sự kiện lớn của tỉnh. Hầu như liên hoan, hội diễn toàn quốc, khu vực Nhà hát đều tham gia và luôn nằm ở tốp 3-5 đơn vị mạnh nhất toàn quốc, thậm chí có nhiều năm đứng tốp 1. Điển hình, như: Đứng đầu Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc đợt 1 năm 2018, với 4 HCV cho chương trình và các tiết mục, 3 HCB cho các tiết mục, 7 giải cá nhân xuất sắc. Xây dựng chương trình nghệ thuật âm nhạc tham gia Liên hoan âm nhạc quốc tế Asian - 2019 đoạt 1 HCV, 3 HCB. Năm 2020, giành giải thưởng: HCB tại festival âm nhạc quốc tế tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh); 1 giải Nhì bảng hòa tấu và 1 giải Ba bảng độc tấu cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc. Năm 2021, giành nhiều giải thưởng lớn tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc: Giải chương trình HCB, giải tiết mục đoạt 2 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ, giải đội múa xuất sắc, giải nghệ sĩ xuất sắc.
Nghệ sỹ ưu tú Phạm Hồng Thu, Giám đốc Nhà hát đã góp phần quan trọng vào thành tích của đơn vị. Năm 2012, Nhà hát vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì lần 2; kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, bản thân anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích có nhiều đóng góp cho sự phát triển Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La. Thành tích của Nhà hát 5 năm liền 2018-2021: Cờ thi đua của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dẫn đầu các đơn vị nghệ thuật miền Bắc năm 2019, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2019, Cờ thi đua của UBND tỉnh các năm 2018, 2019, 2020, 2021...
Ghi nhận những cống hiến nghệ thuật, năm 2016, anh vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú, được nhiều giải thưởng trong các hội diễn, liên hoan nghệ thuật toàn quốc, quốc tế; được nhiều Bằng khen của các cấp, các ngành. Anh cũng là nhạc sỹ được nhiều khán giả mến mộ, với những ca khúc, như: “Ta tự hào thành phố Hoa Ban” (giải nhì cuộc thi sáng tác về thành phố Sơn La); “Sơn La, sông Đà vào xuân” (giải ba cuộc thi sáng tác nhạc sỹ Việt Nam); “Nỗi nhớ hoa ban” (được VTV phát sóng chương trình Tác giả, tác phẩm)...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!