Người nặng lòng với văn hóa dân tộc Thái

Với tình yêu và niềm tự hào về văn hóa dân tộc Thái, ông Lò Văn Thắng, bản Nà Bó 2, xã Mường Sang (Mộc Châu) đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán dân tộc Thái. Với những đóng góp đó, cuối tháng 7/2019, ông Thắng vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Ông Lò Văn Thắng và các cháu học sinh học lớp tiếng Thái

ở bản Nà Bó 2, xã Mường Sang (Mộc Châu).

Say mê nghiên cứu văn hóa Thái

Ấn tượng đầu tiên khi gặp ông Lò Văn Thắng là người đàn ông có dáng người cao, giọng nói trầm ấm, nhìn bề ngoài trẻ hơn so tuổi ngoài 60 của mình. Rót chén nước chè mời khách, ông bắt đầu giới thiệu về quá trình gắn bó với văn hóa dân tộc Thái. Trong câu chuyện, chúng tôi biết được vài nét cơ bản về “lý lịch trích ngang” của ông Thắng. Ông sinh năm 1957, trong gia đình có truyền thống hiếu học tại bản Nà Bó, xã Mường Sang, một trong những vùng đất quần cư lâu đời của người Thái Mộc Châu. Cha mẹ ông đều thông thạo chữ viết của dân tộc Thái, đam mê nghiên cứu văn hóa dân tộc và là những người hát dân ca, hát giao duyên của dân tộc Thái có tiếng trong vùng thời bấy giờ. Có lẽ vì thế mà những câu chuyện về bản mường, những giai điệu mượt mà của các làn điệu dân ca, những bài khắp Thái đã ngấm vào ông từ lúc còn nhỏ. Đặc biệt, cha mẹ của ông rất quan tâm đến việc truyền dạy cho các con trong gia đình chữ viết, cũng như những nét văn hóa riêng biệt, độc đáo của dân tộc Thái. Khi thấy ông say sưa học, tìm hiểu về văn hóa dân tộc, cha ông căn dặn: Văn hóa, phong tục của dân tộc Thái rất hay, phong phú, đa dạng, càng tìm hiểu kỹ, biết nhiều sẽ càng yêu dân tộc mình hơn. Con phải nghiên cứu tìm hiểu thật kỹ để còn truyền dạy cho con cháu... Và từ đó, ông Thắng bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc mình.

Năm 1981, ông Lò Văn Thắng tốt nghiệp khoa Lý, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học Sư phạm Thái Nguyên) về công tác tại Trường THPT Thảo Nguyên, THPT Mộc Lỵ và giữ chức Hiệu trưởng Trường THPT Tân Lập đến lúc nghỉ chế độ vào năm 2016. Dù ở vị trí, công việc nào thì niềm đam mê nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái luôn cháy bỏng trong ông. Bởi vậy, sau gần 50 năm dày công nghiên cứu, sưu tầm, ông đã sở hữu bộ sưu tập đồ sộ với nhiều tư liệu về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, địa danh lịch sử, sách thiên di thiên can của dân tộc Thái. Nổi bật, ông đã nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, truyền dạy, thực hành, cách thức tổ chức các lễ hội như:  Hết Chá, Xên Mường, Cầu mưa. Các lễ về tâm linh như: Lễ tang, cúng đưa người khuất, thờ tổ tiên, thờ thần núi, thần long mạch. Nghi lễ về cưới xin, ăn hỏi, lấy vợ, gả chồng của người Thái Mộc Châu. Sưu tầm, khôi phục, vận động các đoàn thể trong bản duy trì múa hát các điệu múa dân gian, các hình thức hát trong lễ hội, trong lao động sản xuất, trong các ngày vui của đám cưới, mừng ngày mùa, ngày tết, năm mới. Lưu giữ được nhiều câu tục ngữ, dân gian, thơ văn của người Thái. Tiêu biểu như các trường ca: “Sống chụ xon xao”, “Sị Thôn”, “Khun Lú- Nàng Ủa”, “Xạm Lương - Inh Đài” “Vặn Hoan”...

Để văn hóa Thái sống mãi với thời gian

Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa Thái, điều làm ông trăn trở là hiện nay, những người hiểu kỹ, hiểu sâu về văn hóa dân tộc ngày càng ít; lớp trẻ lại không mấy quan tâm đến văn hóa dân tộc; nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp đang ngày càng bị mai một. Với mong muốn của ông là làm sao lưu giữ và truyền đạt cho thế hệ trẻ hiểu và yêu thích nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, từ những năm 1990, ông bắt đầu dạy chữ viết, văn hóa, phong tục dân tộc Thái cho con cháu và những người có nhu cầu học tập, tìm hiểu về văn hóa Thái. Năm 2008, ông còn mở các lớp dạy tiếng Thái cho gần 300 người tại một số xã trên địa bàn huyện. Hiện tại, ông duy trì dạy 3 lớp, cho người dân xã Đông Sang, người dân bản Nà Bó 2 và các cháu học sinh của Nà Bó 2 (Mường Sang) với gần 100 học viên. Điều đáng trân trọng là các lớp của ông đều miễn phí cho người học. Đối với ông, niềm hạnh phúc lớn nhất là nhiều học trò được ông truyền dạy đã tiếp bước con đường của thầy, tiếp tục truyền dạy tiếng nói, chữ viết, văn hóa Thái cho con cháu và người dân địa phương.

Đến thăm lớp học của ông Thắng dành cho các cháu học sinh trong bản Nà Bó 2, chúng tôi cảm nhận không khí hào hứng, say mê học tập của những “mầm non tương lai”, em Lò Hoàng Anh, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Mường Sang khoe: Trong những tháng hè, chúng em được ông tận tình dạy bảo, bây giờ em đã có thể đọc, viết tiếng Thái. Em thấy lớp học rất hay và bổ ích, ngoài học chữ, chúng em còn được ông dạy về những nét văn hóa truyền thống, những bài thơ, câu tục ngữ của dân tộc Thái, chúng em càng tự hào và yêu dân tộc mình hơn...

Chia sẻ với chúng tôi, ông Thắng nói: Bao giờ còn sức khỏe, ông còn tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và truyền dạy văn hóa Thái, với mong muốn những nét đẹp của văn hóa Thái sống mãi với con cháu đời sau, góp sức nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới