Người làm khèn Mông ở bản Phát Nam

Ông Hờ A Cở, ở bản Phát Nam, xã Chiềng Sung (Mai Sơn) được biết đến là người làm khèn Mông giỏi, những cây khèn do ông làm được người Mông ở nhiều tỉnh khu vực Tây Bắc đặt mua. Việc làm những chiếc khèn Mông không những đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông.

Ông Hờ A Cở, bản Phát Nam, xã Chiềng Sung (Mai Sơn) chế tác khèn Mông.

Năm nay hơn 50 tuổi, ông Cở đã có hơn 30 năm làm khèn Mông. Từ ngày còn nhỏ, khi mới hơn 10 tuổi ông đã yêu thích các loại nhạc cụ dân tộc Mông, năm 13 tuổi ông đã biết thổi thành thạo khèn Mông. Ông đã tự mày mò, tìm hiểu cách làm khèn. Sau gần 3 năm, với nhiều lần thất bại, cuối cùng ông cũng làm được chiếc khèn đầu tiên. Từ đó đến nay, vừa làm, vừa tích lũy thêm kinh nghiệm, những cây khèn do ông làm ra hình thức ngày càng đẹp, âm thanh chuẩn, những người đã thổi khèn của ông đều rất thích, dần dần có nhiều người tìm đến tận nhà ông để mua khèn.

Quan sát trong ngôi nhà gỗ của gia đình ông Cở, đâu đâu cũng thấy những dụng cụ, đồ nghề, vật liệu để làm khèn, có gần chục cây khèn đã làm xong được ông Cở treo lên vách, cây nào cũng được trau chuốt, sáng bóng. Qua câu chuyện với ông Cở được biết, khèn của ông làm có 3 cỡ: loại 1, cây khèn dài 1 mét bán với giá 3,5 triệu đồng/cây; loại 2, dài 1,25 mét, giá 4,5 triệu đồng/cây; loại 3, dài 1,5 mét, giá 5 triệu đồng/cây. Trước đây, khi làm xong, ông phải tự dùng xe máy chở đi bán rong, vất vả, nhưng bán được rất ít. Những năm gần đây, được con cháu hướng dẫn cho cách bán khèn qua các trang mạng xã hội facebook, zalo... nên nhiều người đã đặt mua khèn qua mạng và thanh toán qua tài khoản. Từ khi bán khèn qua mạng, những cây khèn của ông được nhiều người Mông trong và ngoài tỉnh biết đến và đặt mua, khèn ông làm ra không đủ để bán. Đặc biệt, khèn của ông còn được người Mông ở các nước ngoài, như: Lào, Thái Lan, Trung Quốc... đặt mua. Ông Cở cho biết: Trung bình một tháng, nếu chăm chỉ có thể làm được 5 cây khèn hoàn chỉnh, các loại cỡ tùy theo khách yêu cầu, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu hơn 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, vật liệu để làm khèn rất khó tìm, thân khèn phải làm bằng gỗ thông hoặc pơ mu, ống thì chọn cây trúc già, thẳng, đẹp, nhiều khi khách đặt nhiều mà không có vật liệu để làm. Đặc biệt, để có âm thanh chuẩn thì việc làm lưỡi đồng mất khá nhiều thời gian, phải pha các loại đồng với nhau cho thích hợp thì khi thổi, âm thanh mới trong và vang. Với nghề làm khèn, không những giúp gia đình có thu nhập ổn định, mà còn góp phần giới thiệu sản phẩm khèn Mông đến các dân tộc khác, các vùng miền khác.

Hiện nay, ngoài việc làm khèn để bán, ông Cở còn tích cực tìm hiểu và làm các loại nhạc cụ khác của dân tộc Mông. Không những thế, ông còn truyền dạy, hướng dẫn cho con cháu cách thổi khèn, làm khèn, với mong muốn con cháu sẽ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

A Trứ
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới