Tại Đại hội Chi hội Văn học nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam tỉnh khóa III, nhiệm kỳ 2019-2024, chúng tôi được trò chuyện với anh Kiều Duy Khánh, bản Chờ Lồng, xã Yên Sơn (Yên Châu). Anh là công nhân tuần đường, nhưng lại có niềm đam mê viết truyện ngắn, có tác phẩm của anh đã đoạt giải thưởng cấp tỉnh, khu vực và Trung ương.
Anh Kiều Duy Khánh (bên trái), bản Chờ Lồng, xã Yên Sơn (Yên Châu)
chia sẻ với bạn đọc về các tác phẩm.
Anh Khánh năm nay gần 40 tuổi, dáng người nhỏ, nước da ngăm đen, nhanh nhẹn, hoạt bát. Anh Khánh kể về cơ duyên đến với “nghề tay trái” viết truyện ngắn của mình: Sinh năm 1980, quê gốc ở Thạch Thất, Hà Nội, nhưng sinh tại xã Chiềng Mai (Mai Sơn), năm 1991, anh cùng gia đình chuyển về sống tại bản Chờ Lồng, xã Yên Sơn (Yên Châu) cho đến nay. Năm 1996, lúc đó anh Khánh đang học phổ thông đã gửi tác phẩm truyện ngắn đầu tiên “Mùa nhãn rừng” tham dự cuộc thi “Trang viết đầu tay” do Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức và đoạt giải khuyến khích; năm 1999, anh gửi dự thi tác phẩm thơ “Quê em” do báo Thiếu niên Tiền Phong và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, đã đoạt giải ba. Những giải thưởng đầu tiên ấy đã tạo động lực cho anh nuôi dưỡng niềm đam mê viết truyện ngắn sau này. Hiện, công việc chính của anh Khánh là công nhân tuần đường (tuyến đường từ đèo Chẹn, Bắc Yên đi xã Nà Ớt, Mai Sơn), Hạt 103, thuộc Công ty cổ phần Quản lý sửa chữa và xây dựng công trình giao thông 2 Sơn La (Phù Yên).
Những tác phẩm truyện ngắn của anh Kiều Duy Khánh chủ yếu phản ánh đời sống sinh hoạt hằng ngày, bản sắc văn hóa, tín ngưỡng tâm linh... của các dân tộc Thái, Mông, Sinh Mun. Ngoài ra, anh còn viết truyện ngắn, văn xuôi với chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; “Ngã ba Cò Nòi - tầm vóc và giá trị lịch sử”, cuộc vận động viết về lực lượng vũ trang quân đội, chiến sĩ công an... Truyện ngắn của anh chân thực, hành văn giản dị, mộc mạc và gần gũi với bạn đọc. Nói về việc sáng tạo các tác phẩm, anh Khánh chia sẻ: Những truyện ngắn viết về phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số, tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu, tìm gặp những người già ở các bản để có được thông tin chính xác. Nếu như trước đây, tôi viết theo kiểu hiện thực, kết có hậu cho câu chuyện, thì bây giờ tôi viết theo hướng kết thúc mở để người đọc có góc nhìn và cảm nhận riêng...
Tính đến hiện tại, anh Kiều Duy Khánh đã có trên 50 truyện ngắn được in trên các báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội; nhiều tác phẩm được in và xuất bản như: Tập truyện ngắn “Bí mật dưới vực sâu” (2001), "Buổi đi săn cuối cùng” (2003), “Thám tử miền sơn cước” (2005), do Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng thực hiện; tập truyện ngắn “Chim gọi ngày đã hót” (2017) và “Trở về với núi” (2018) do NXB Quân đội nhân dân thực hiện; một số tác phẩm được xuất bản trong tuyển tập truyện ngắn hay của NXB Văn học. Đặc biệt, tác phẩm “Hồn Piêu” được dịch sang tiếng Anh và đăng tải trên báo Việt Nam News... Bên cạnh viết truyện ngắn, anh còn sáng tác thơ và được đăng tải ở các báo, tạp chí của tỉnh, Trung ương... Hiện, anh đang là hội viên của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh và là hội viên của Hội VHNT các DTTS Việt Nam.
Với nhiều tác phẩm hay, đặc sắc, thu hút độc giả, tác giả Kiều Duy Khánh đã đoạt nhiều giải thưởng lớn: 5 giải A cấp tỉnh; 1 giải B và 2 giải C cấp Trung ương... Trong 3 năm (từ 2017-2019), Kiều Duy Khánh là tác giả duy nhất của Sơn La có tác phẩm truyện ngắn được đăng trong tập truyện ngắn hay của NXB Văn học và NXB Hội Nhà văn Việt Nam. Với niềm đam mê viết truyện ngắn và sáng tác thơ, tin rằng, anh công nhân tuần đường Kiều Duy Khánh sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay, đặc sắc, góp phần phát triển lĩnh vực văn học nghệ thuật tỉnh nhà.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!