Trong đời sống thường ngày, đồng bào dân tộc Thái có rượu cần, dân tộc Mông có rượu ngô, thóc, còn đối với đồng bào dân tộc Dao ở hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ có rượu hoẵng (hay gọi là tíu bầu). Từ lâu, rượu hoẵng ở đây nổi tiếng thơm dịu và ngọt thanh của gạo nếp nương. Đây là loại rượu đặc trưng của dân tộc Dao không thể thiếu khi có khách đến thăm nhà và trong các dịp lễ, tết, công việc của gia đình.
Người Dao Tiền Mộc Châu dùng rượu hoẵng trong các dịp lễ, tết
Trước đây, người dân tộc Dao chủ yếu dùng củ sắn để làm rượu hoẵng. Nhiều năm trở lại đây, cuộc sống khấm khá hơn, bà con sử dụng gạo nếp nương loại ngon để làm rượu này. Cách nấu rượu hoẵng gồm: Gạo nếp ngâm qua đêm, đãi sạch, để ráo nước và đồ lên. Khi xôi chín, lót lá chuối trên nong cho xôi nguội, rồi rắc men lên xôi, lượng men tùy thuộc vào lượng gạo đồ xôi (men làm từ gạo nếp), trộn đều và cho vào ủ trong chum đậy kín nắp. Thời gian ủ rượu mùa hè thường là 3 ngày 3 đêm, mùa đông từ 5 đến 6 ngày. Ủ đến khi bã rượu nổi lên, vắt lấy nước cốt, bỏ phần bã và lọc sạch thêm một lần, sau đó cho vào nồi đun sôi. Rượu sau khi để nguội có thể sử dụng ngay hoặc bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng lâu dài.
Ông Lý Văn Nam, bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, cho biết: Độ nóng, nguội của xôi để lên men là yếu tố quyết định đến chất lượng của rượu. Người có kinh nghiệm nhìn chất liệu men sẽ biết khi trộn cần tỷ lệ bao nhiêu là đủ để rượu thơm, ngọt, không bị chua hoặc quá cay, có vị đắng, khó uống lại chóng say. Nồng độ nặng, nhẹ của rượu phụ thuộc vào nhu cầu của người làm rượu.
Rượu hoẵng ngon, chuẩn có màu trắng sữa, có mùi thơm dịu của gạo nếp nương, có vị ngọt thanh dễ uống, nồng độ rượu thấp. Đồng bào dân tộc Dao nơi đây quan niệm, trong các dịp lễ, tết, công việc to của gia đình như: Lập tịnh, cưới xin, thờ cúng… phái nam uống rượu siêu (rượu nấu từ gạo tẻ hay còn gọi là rượu trắng), phái nữ uống rượu hoẵng để cùng chung vui với gia đình. Theo kinh nghiệm dân gian, uống rượu hoẵng giúp chị em đẹp da, có lợi đối với phụ nữ sau khi sinh nở, giúp lợi sữa…
Rượu hoẵng của người Dao Tiền có mùi thơm dịu của lúa nếp nương, vị ngọt thanh dễ uống
Rượu hoẵng không chỉ được đồng bào Dao sử dụng trong gia đình mà còn để biếu tặng người thân, bạn bè. Nhiều gia đình làm rượu hoẵng để cung cấp cho các nhà hàng, bán theo đơn đặt hàng của du khách ưa thích loại rượu này. Chị Triệu Thị Thêm, tiểu khu Tà Lọng, thị trấn Nông trường Mộc Châu, được nhiều người biết đến là người nấu rượu hoẵng thơm ngon, chuẩn vị. Chị Thêm cho biết: Tôi nấu rượu hoẵng từ năm 2016 đến nay. Thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022, tôi bán được hơn 600 lít rượu hoẵng cho khách ở một số huyện trong tỉnh và Hà Nội. Giá bán giao động từ 27.000 đồng đến 35.000 đồng/lít, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập.
Chị Bùi Thị Oanh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, cho biết: Lần đầu tiên tôi uống rượu hoẵng khi đến thăm gia đình người bạn tại huyện Mộc Châu. Tôi thấy rượu này thơm, ngọt, dễ uống. Năm nay, tôi đặt mua 20 lít rượu hoẵng của người Dao để sử dụng trong gia đình và làm quà biếu bạn bè.
Không biết rượu hoẵng có từ bao giờ, chỉ biết qua câu chuyện kể, đời nọ truyền đời kia, rượu hoẵng luôn hiện hữu trong đời sống của đồng bào dân tộc Dao. Từ sự tỷ mỉ trong chế biến đã tạo nên hương vị rượu hoẵng đặc trưng. Với đồng bào dân tộc Dao, mời nhau chén rượu ngọt các dịp lễ, tết thể hiện lòng mến khách và gắn kết tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng dân tộc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!