Nghi lễ Mạng Ma của đồng bào Xinh Mun

Vào thời điểm đầu năm, khi hoa ban nở, măng đắng mọc, cũng là lúc đồng bào dân tộc Xinh Mun, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, chọn ngày lành mời thầy mo về nhà tổ chức lễ Mạng Ma. Đây là nghi lễ tín ngưỡng truyền thống mang ý nghĩa cầu sức khỏe, giải hạn cho những người làm nghề mo và cầu mong sức khỏe, một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu đến với bà con trong bản.

Nghi lễ Mạng Ma được sân khấu hóa.

Dân tộc Xinh Mun có 2 ngành, là Xinh Mun dạ và Xinh Mun nghẹt. Tại xã Chiềng On, có 8/12 bản là người dân tộc Xinh Mun dạ sinh sống, gồm: Tràng Nặm, Trạm Hốc, Nà Đít, Nà Dạ, Khuông, Nà Cài, A La, Co Tôm. Cộng đồng người Xinh Mun không có chữ viết, nhưng có tiếng nói riêng; nhiều phong tục, tập quán của người Xinh Mun vẫn được bảo tồn, trong đó có nghi lễ Mạng Ma.

Bà Vì Thị Sướng, bản Tràng Nặm, xã Chiềng On, là thầy mo lâu năm, cho biết: Theo tín ngưỡng của người dân tộc Xinh Mun dạ, mỗi thầy mo (đàn ông hoặc đàn bà) thường có một thầy mo cao tay đỡ đầu, nên khi bắt đầu hành nghề, phải có nghi lễ nhận thầy đỡ đầu cho mình, gọi là nghi lễ cầu sức khỏe (Mạng Ma). Sau đó, cứ 5 năm thầy mo lại tổ chức nghi lễ Mạng Ma một lần.

Nghi lễ Mạng Ma có 2 thầy mo (1 thầy mo đỡ đầu và 1 thầy mo được đỡ đầu); họ bên ngoại (anh hoặc em của người được đỡ đầu); con cháu trong gia đình, dòng họ và người dân trong bản. Thời gian diễn ra nghi lễ thường từ 2 đến 3 ngày. Các lễ vật và đồ dùng phục vụ nghi lễ, gồm: Đồ lễ đặt vào mâm, gian thờ, các đạo cụ làm bằng gỗ, tre, chỉ màu dùng để múa trong nghi lễ; các con vật hiến linh, dựng cây nêu, gạo nếp, rượu...

Trong nghi lễ, có 5 lễ cúng: Lễ cúng thứ nhất, mời các thần linh về dự lễ; lễ cúng thứ hai, cầu thần linh phù hộ cho chủ cúng và cảm ơn họ nhà ngoại; lễ cúng thứ ba, cúng thần linh phù hộ cho gia chủ, đây là bài cúng chính trong nghi lễ. Ở lễ cúng này, thầy mo sẽ nhận trách nhiệm làm thầy đỡ đầu mới cho thầy mo được đỡ đầu. Lễ cúng thứ tư, gọi hồn người được đỡ đầu và cúng mời tổ tiên về ngự tại nhà. Ở lễ cúng này, 2 thầy mo làm lễ gọi hồn và làm lễ xin tổ tiên phù hộ cho mọi người tham dự nghi lễ được khỏe mạnh, vui vẻ, hướng dẫn mọi người cùng múa xòe và diễn các trò chơi, như kéo thuyền, đấu võ, bắt tổ ong. Sau đó, người nhà đặt một mâm lễ có 2 ngôi nhà sàn gỗ nhỏ để tổ tiên của gia chủ về ngự, đến khi nào hỏng mới bỏ đi hoặc khi nào làm Lễ Mạng Ma tiếp theo mới thay mới. Người nhà mở 2 chum rượu cần mời mọi người cùng uống, cầu mong sức khỏe cho người được đỡ đầu, người thân trong gia đình. Lễ cúng thứ 5, thầy mo ngồi trước mâm cúng chính, mời các thần linh hưởng lộc, cảm ơn, tiễn các thần linh về trời, kết thúc nghi lễ Mạng Ma.

Lễ Mạng Ma đã xuất hiện rất lâu đời và tồn tại cho đến ngày nay, nghi lễ mang tính chất cộng đồng cao và được người dân ủng hộ. Đây cũng là dịp để các con cháu trong gia đình thể hiện lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên và các vị thần linh đỡ đầu cho mình. Với giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, năm 2020, nghi lễ Mạng Ma của dân tộc Xinh Mun được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 30/10/2024

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 30/10/2024

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao lạnh lục địa có cường độ ổn định, sau suy yếu chậm. Thời tiết: Mây thay đổi, không mưa, đêm và sáng sớm trời lạnh, vùng núi cao có nơi trời rét, ngày nắng.
  • 'Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Thời sự - Chính trị -
    Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia thảo luận tại tổ đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
  • 'Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Quốc phòng -
    Triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng đơn vị chính quy, rèn luyện kỷ luật, tạo sự chuyển biến vững chắc về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Châu đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện sát với tình hình của đơn vị, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, phong trào, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu”.
  • 'Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Kinh tế -
    Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau gần 15 năm triển khai đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn của mỗi người dân thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Ở tỉnh ta, Cuộc vận động được triển khai gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
  • 'Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    An toàn giao thông -
    Thành phố Sơn La có mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều, nhất là những tháng cuối năm, thời điểm các hộ kinh doanh tập trung vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Công an thành phố Sơn La đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.