Trong đợt trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân và Nghệ sỹ ưu tú lần thứ 9 năm 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội, tỉnh ta có 3 cá nhân vinh dự được đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, trong đó có diễn viên múa, biên đạo múa Lò Hải Lam, Đội phó Đội Thông tin tuyên truyền lưu động (Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh).
Nghệ sỹ ưu tú Lò Hải Lam hướng dẫn diễn viên luyện tập múa tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh.
Bằng tài năng và niềm đam mê, NSƯT Lò Hải Lam đã biểu diễn, sáng tạo nhiều tác phẩm múa có chất lượng nghệ thuật cao, đoạt được nhiều giải tại các hội diễn ca, múa, nhạc từ tỉnh đến khu vực và toàn quốc, được đông đảo công chúng yêu mến, đón nhận. Trò chuyện với anh, tôi cảm nhận thêm khá nhiều về chàng trai như được sinh ra cho nghệ thuật múa. Lò Hải Lam sinh năm 1974, người dân tộc Thái của xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Mẹ anh từng là diễn viên ca, múa của Đoàn văn công khu tự trị Thái - Mèo xưa. Từ nhỏ, anh đã bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê ca hát, nhưng cơ duyên lại đưa anh đến với nghệ thuật múa trong một lần trường múa Việt Nam (nay là Học viện múa Việt Nam) lên tuyển sinh tại Sơn La. Qua sơ tuyển, anh được lựa chọn đi thi chung tuyển tại nhà trường và trúng tuyển luôn khóa 3, hệ 3 năm Trường múa Việt Nam. Trong 3 năm học, với năng khiếu, sự cần cù, chăm chỉ, sáng tạo, anh luôn dẫn đầu lớp và được nhiều Đoàn văn công quân khu và đoàn nghệ thuật các tỉnh mời về công tác.
Từ năm 1994 đến năm 2004, trải qua nhiều đơn vị công tác: Đoàn Ca múa Sơn La, Đoàn Nghệ thuật Hoa ban trắng tỉnh Điện Biên, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Hà Giang, anh luôn là diễn viên múa chính của nhiều tác phẩm, từng đoạt nhiều Huy chương Vàng, Bạc trong các lần tham gia Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, như tiết mục múa: “Ước vọng đời người” (1995), “Tìm nhau” (1997), “Sự tích Đàn Hưn Mạy” (1997), “Lễ cầu mưa” (1999), “Ước mơ hạnh phúc” (2004)... Cũng trong thời gian này, anh nuôi dưỡng niềm đam mê biên đạo và đã trực tiếp dàn dựng thành công hai tác phẩm đoạt Huy chương Vàng Hội diễn LLVT Quân khu II các năm 1997, 1999. Rồi bước ngoặt đến vào năm 2004, từ hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, anh chuyển sang làm công tác phong trào tại Trung tâm Văn hóa tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh), đảm nhận làm công tác biên đạo múa. Anh dành nhiều tâm sức nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo những tác phẩm múa có chất lượng nghệ thuật phù hợp với thị hiếu thưởng thức của quần chúng; khai thác chất liệu múa dân gian những nét đặc trưng nhất, hồn cốt nhất của từng dân tộc vào các tác phẩm múa; trực tiếp xuống cơ sở tập huấn nghiệp vụ cho hạt nhân văn nghệ các xã, bản; góp phần xây dựng thành công nhiều đội văn nghệ quần chúng mạnh của tỉnh. Với cương vị là Đội phó Đội Thông tin tuyên truyền lưu động, anh cùng các thành viên trong Đội thường xuyên đi biểu diễn phục vụ đồng bào tại các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới và các xã vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh; những chuyến đi đó giúp anh tích lũy thêm nhiều kiến thức, vốn hiểu biết về phong tục, tập quán, vẻ đẹp cuộc sống đồng bào các dân tộc trong mỗi tác phẩm múa. Đến nay, anh đã biên đạo trên 100 tác phẩm múa của các dân tộc; dàn dựng nhiều tác phẩm múa để lại ấn tượng trong các chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện chính trị lớn trong và ngoài tỉnh; tham gia biên đạo cho các tổ, bản, cơ quan đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh tham gia Hội diễn, Hội thi đạt nhiều giải cao. Những tác phẩm múa của anh được công chúng luôn nhắc tới như: “Trống hội bản Dao”, “Chuông vọng bản Dao”, “Sắc xuân vùng cao”, “Đàn tính mùa xuân”, “Tìm em bên hạn khuống”, “Chợ núi”...
Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú là phần thưởng cao quý, ghi nhận tâm huyết, nỗ lực sáng tạo của diễn viên, biên đạo múa Lò Hải Lam; là động lực để anh tiếp tục có những cống hiến, góp phần thúc đẩy nghệ thuật múa dân tộc và phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng trong tỉnh ngày càng thêm phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!