Nghề mây, tre đan ở Ngọc Chiến

Nghề mây, tre đan ở xã Ngọc Chiến (Mường La) đã có từ lâu đời, nhưng những năm gần đây nhờ du lịch phát triển, các sản phẩm mây, tre đan được du khách mua sắm để trang trí, tạo điểm nhấn cho không gian, vì thế, nghề này ở Ngọc Chiến ngày càng phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong xã.

                                 

Người dân bản Nà Tâu, xã Ngọc Chiến (Mường La) đan gùi tre truyền thống.

           

Nà Tâu có 68 hộ làm nghề mây tre đan, trong đó nhiều hộ sản xuất từ 40 - 50 sản phẩm/tháng. Ông Lò Văn Bao, bản Nà Tâu, chia sẻ: Vì đam mê và mong muốn gìn giữ nghề truyền thống, tôi và nhiều người cao tuổi biết đan các sản phẩm từ mây, tre trong bản đã liên kết tìm cách giữ nghề, sống được từ nghề; truyền lại những kinh nghiệm trong nghề, cách thể hiện những họa tiết trong từng sản phẩm. Được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, nghề mây, tre đan đang phát triển, có đầu ra ổn định. Gia đình tôi có 4 người làm nghề, mỗi tháng cung cấp cho thị trường từ 80 - 100 sản phẩm các loại, thu nhập gần 15 triệu đồng/tháng.

           

Để phát triển nghề mây, tre đan, xã Ngọc Chiến đã vận động người cao tuổi trong xã biết nghề truyền nghề cho con, cháu; thành lập các nhóm hộ từ 5 - 10 hộ/nhóm, giúp đỡ nhau kỹ thuật, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm; phát triển nghề mây, tre đan gắn với du lịch... Hiện, toàn xã có trên 300 hộ gia đình gắn bó với nghề mây, tre đan, tập trung ở các bản: Nà Tâu, Đông Xuông, Nậm Nghiệp, Lọng Cang, Khua Vai, Mường Chiến, bản Lướt…  

           

Theo những người làm nghề, để đan được một sản phẩm như gùi, mâm mây hay giỏ đựng đồ dùng, đòi hỏi người đan phải kiên trì, chịu khó và khéo léo, tỉ mỉ. Chọn mua tre, trúc hay mây có độ già vừa phải (bánh tẻ), lấy phần cật (mặt cứng sát phía ngoài vỏ tre, trúc, mây) chẻ nhỏ, chuốt thành sợi dài, ngắn tùy theo yêu cầu của từng sản phẩm định làm, ngâm nước 30 - 60 phút trước khi đan.

           

  Sau khi hoàn thiện sản phẩm, có thể sơn bóng để tăng độ đẹp, sản phẩm không bị mối mọt, nấm mốc, hoặc treo gác bếp theo cách truyền thống. Trung bình đan 1 sản phẩm gùi, ép khảu mất khoảng 1 ngày; đan mâm mây, ghế mây mất từ 4 - 5 ngày. Giá thành sản phẩm bán ra trên thị trường tương đối ổn định: Mâm mây to, kèm 4 ghế từ 2 - 2,5 triệu đồng/bộ; mâm mây nhỏ 1,5 triệu đồng/bộ; gùi tre từ 150 - 200 nghìn đồng/sản phẩm... Các sản phẩm có mẫu mã đa dạng, những nét hoa văn trên từng sản phẩm luôn được sáng tạo, cải tiến, tinh xảo, độc đáo, nên được khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua với số lượng lớn.

           

Một trong số những thương lái thường xuyên đặt hàng mây, tre đan của các hộ dân xã Ngọc Chiến với số lượng lớn, ông Lèo Văn Mai, xã Tà Hộc (huyện Mai Sơn) cho biết: Đã hơn 5 năm nay, tôi thường xuyên đặt hàng mây, tre đan của người dân Ngọc Chiến, chủ yếu là gùi tre, ép khảu, ghế mây… Các sản phẩm đẹp, bền, đa dạng về mẫu mã, giá cả hợp lý. Mỗi tháng tôi lấy hàng 4 -5 lần, mỗi lần khoảng 200 - 300 sản phẩm các loại để xuất bán đi Hà Nội, Yên Bái, Hòa Bình, Điện Biên, Lào Cai… 

           

Để nghề mây, tre đan phát triển bền vững, UBND xã Ngọc Chiến đã hoàn thiện hồ sơ xin thành lập HTX Mây, tre đan Ngọc Chiến, với 200 - 300 hộ tham gia; quy hoạch vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ, máy móc, nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã, sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đồng thời, có kế hoạch tổ chức cho các tổ, nhóm đan trình diễn các sản phẩm mây, tre tại nhà văn hóa bản Lướt phục vụ khách du lịch tìm hiểu về nghề, góp phần phát triển kinh tế nói chung và nghề du lịch nói riêng tại địa phương.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới