Nghề làm giấy của người Mông

Đồng bào dân tộc Mông bao đời nay vốn sinh sống trên những thung lũng, sườn đồi vùng núi cao, họ luôn biết tận dụng những vật liệu sẵn có của thiên nhiên để làm một số vật dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt, như: lấy trúc, tre để đan lu cở, trồng lanh dệt vải... Đặc biệt, nghề làm giấy được bà con duy trì, bởi sản phẩm của nghề luôn gắn với cuộc sống tâm linh của đồng bào dân tộc Mông.

 

Bà Vừ Thị Ly bản Co Mạ, xã Co Mạ (Thuận Châu) kiểm tra sản phẩm giấy tự sản xuất.

Giấy của người Mông làm ra không phải để viết, mà được dùng trong các ngày lễ tết, thờ cúng... Vào ngày dịp lễ tết, những mảnh giấy được cắt nhỏ ra dán vào các góc nhà, cột nhà, những vật dụng trong sinh hoạt, có ý nghĩa như niêm phong, kết thúc năm cũ và chào đón năm mới với mong muốn những điều tốt đẹp, an lành, may mắn cho mọi người trong gia đình trong năm mới. Điều đặc biệt là giấy của người Mông sẽ được dùng để treo lên tường ở giữa nhà, có gắn ít lông gà trống lên đó, là bàn thờ để cúng tổ tiên, nơi linh thiêng, hàng năm vào dịp tết năm mới, người Mông sẽ thay lại giấy mới, người Mông quan niệm đó là sự thể hiện lòng báo hiếu của con cháu với tổ tiên, dòng họ, cầu mong cho con cháu có cuộc sống an lành, hạnh phúc, ấm no, có nhiều tiền tài và thành đạt trong cuộc sống.

Trong cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông nói chung và người Mông ở huyện Thuận Châu nói riêng, làm giấy luôn gắn với công việc thường ngày. Thường người Mông làm giấy vào mùa nông nhàn, mùa khô, nắng ráo, mỗi khi mùa vụ kết thúc cũng là lúc họ có nhiều thời gian để may vá, thêu thùa, làm giấy, bởi khi đó đem ra phơi giấy mới khô nhanh, được giấy trắng và đẹp, việc làm giấy luôn được người phụ nữ đảm nhiệm. Vào thời gian chuẩn bị làm giấy, những người phụ nữ Mông sẽ lên rừng tìm cây dướng, dây leo, cây dướng có ở rất nhiều nơi trên rừng, lá đơn, hình tim, mép lá có răng cưa, về mùa hè cây ra quả dạng quả tụ nhiều nước, vị ngọt màu đỏ cam, lá của cây dướng cũng thường được hái về làm thức ăn nuôi lợn, nên việc tìm và nhận dạng cây dướng ở rừng không khó.

Bà Vừ Thị Ly, bản Co Mạ, xã Co Mạ (Thuận Châu), người nhiều năm làm giấy, cho biết: Việc làm giấy không cầu kì và tỷ mỉ như một số nghề truyền thống khác nhưng lại cần đúng quy trình, khi bắt đầu chuẩn bị làm giấy, đầu tiên sẽ phải chuẩn bị một cái khung hình chữ nhật, đóng đinh ở các góc cạnh và gắn vào trong khung sẽ là một mảnh vải dệt bằng lanh hoặc vải bông, đây là hai loại vải dễ thoát nước trong quá trình đem ra phơi ngoài trời. Những nguyên liệu để làm giấy là cây dướng. Từ xa xưa, người Mông khi làm giấy đã thử hết tất cả các loại vỏ cây trong rừng nhưng không loại cây nào làm được giấy trừ cây dướng, vỏ cây dướng được hợp thành từ các sợi rất bền, có nhiều lông, dễ tước vỏ nên được dùng để kết hợp với một loại dây leo trên rừng để làm giấy. Cây dướng, dây leo sẽ được chặt và mang về, bóc vỏ cây, dây leo ra, sau đó tước lớp vỏ trắng ở giữa vỏ cho vào cối giã rồi cho vào nồi nấu, khi nấu sẽ cho một ít tro hòa vào nấu cùng, như vậy sẽ có độ nhừ tốt hơn và tạo ra giấy có độ trắng cao, sau 2 tiếng đồng hồ vớt ra để giã tiếp. Khâu cuối cùng cho cái khung hình chữ nhật vào nước, rải vỏ cây đã giã lên trên mảnh vải vo, khuấy đều nhau, rồi đem ra phơi ngoài ánh nắng mặt trời. Nếu thời tiết nắng ráo, một ngày sẽ làm được 5 tờ giấy, với kích thước (rộng 1 mét, chiều dài hơn 1 mét).

Ngày nay theo sự phát triển của xã hội, nghề làm giấy của người Mông đang bị mai một dần, những người biết làm giấy không nhiều, để gìn giữ nghề làm giấy, một trong những nét đặc sắc văn hóa trong đời sống tâm linh của người Mông, những người lớn tuổi luôn nhắc nhở và dạy bảo con cháu mình cần phải học cách làm giấy từ thế hệ trước để lại, để bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống cho các thế hệ mai sau.

A Mua (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới