Trong kho tàng văn hóa của dân tộc Thái, chữ Thái được coi là di sản tinh thần, kết tinh trí tuệ của tổ tiên để lại. Song, hiện nay hầu hết thế hệ trẻ không biết đọc, biết viết loại chữ này. Đam mê, nặng lòng với văn hóa dân tộc, nhiều nghệ nhân trên địa bàn thành phố Sơn La đã sưu tầm, nghiên cứu, phiên dịch và truyền dạy chữ Thái, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Bà Cà Thị Định dạy chữ Thái cho thành viên CLB Văn hóa dân tộc Thái tổ 3, Phường Chiềng An, Thành phố.
Nguyên là Trưởng phòng Tin học và Thông tin Khoa học công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, những năm 1990, trong quá trình công tác, tiếp xúc, ông Cà Văn Trung nhận thấy bà con có loại lịch riêng, nên có ý tưởng nghiên cứu, biên soạn và tin học hóa lịch Thái Sơn La. Ông Trung chia sẻ: Tôi đã nghiên cứu nguồn gốc, quá trình phát triển của lịch và lịch Thái Sơn La; so sánh lịch Thái Sơn La với một số lịch người Thái ở Trung Quốc, Myanmar và Thái Lan. Đồng thời, tìm đọc nhiều cuốn sách Thái cổ về lịch, các hình thức đếm thời gian của dân tộc Thái, những vấn đề liên quan đến lịch Thái và tham gia làm thành viên Mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa Việt Nam (VTIK).
Năm 2005, bộ lịch tổng hợp 200 năm (từ 1924 đến 2124) gồm các thứ trong tuần, ngày dương lịch, âm lịch, lịch theo hệ đếm can chi, lịch 24 tiết, lịch Thái phiên âm và lịch bằng chữ Thái đã được ông biên soạn thành công. Ông còn xây dựng chương trình lịch Thái cho máy tính. Khi cài đặt, có thể tra cứu từng ngày từ năm 1800 đến năm 2199 (400 năm) giữa dương lịch, âm lịch và lịch Thái. Chương trình dễ cài đặt, dễ sử dụng, tra cứu nhanh.
Năm 2017, ông nghỉ chế độ hưu trí và tiếp tục sưu tầm, truyền dạy chữ Thái cho người dân trong khu dân cư. Đến nay, ông đã sưu tầm được nhiều câu tục ngữ, câu đố dân gian, truyện thơ, truyện trạng, thơ, ca từ nguyên bản của chữ Thái cổ. Ông còn xuất bản các tác phẩm, như: Cúng ma tình yêu (Xên chuông), Nàng Cống Căm Đanh, Xông Ca - Xi Cáy, Xống chụ xon xao nhìn từ góc độ thi pháp... Lớp dạy chữ Thái của ông gồm 35 thành viên của Câu lạc bộ Văn hóa dân tộc Thái bản Nong La, xã Chiềng Ngần.
Năm nay ngoài 60 tuổi, bà Cà Thị Định, tổ 2, phường Quyết Tâm, Thành phố, vẫn nặng lòng với văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Bà Định kể: Khi còn nhỏ, tôi đã được nghe những bài dân ca Thái từ lời ru của bà nội; nghe bà kể chuyện sinh đất, lập mường, đọc những câu ca dao, thành ngữ của người Thái mang đậm tính giáo dục đạo lý làm người... Khi trưởng thành, công tác trong ngành giáo dục, tôi tham gia lớp học chữ Thái do Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh tổ chức, không chỉ học chữ mà tôi còn hiểu thêm giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái.
Tâm huyết với chữ Thái, bà Cà Thị Định tham gia giảng dạy trên 20 lớp chữ Thái do Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh tổ chức tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Bà dành nhiều thời gian nghiên cứu, soạn giáo án để bài giảng có nội dung gần gũi, thiết thực, gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày, giúp học viên dễ tiếp thu. Tham gia Câu lạc bộ Văn hóa dân tộc Thái tổ 3, phường Chiềng An, bà Định cùng Ban Chủ nhiệm CLB xây dựng các bài giảng, dạy chữ Thái cho thành viên CLB và những người dân có nhu cầu. Ngoài ra, bà còn sưu tầm, lồng ghép, giới thiệu những cuốn sách chữ Thái cổ chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng vào bài giảng. Trong đó, có cuốn “Quam tô mương Mường Muổi”, “Quam tô mương Mường La”, “Tay pú sớc”, “Quam xớc Hán Cơ Lương”, “Xống chụ son sao”, “Khun Lú - Nang Ủa”, “San Lương - Inh Lai”, “Tạo Hôm - Nang Hai”...
Những việc làm của ông Cà Văn Trung và bà Cà Thị Định đã và đang góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái trên mảnh đất Sơn La để trao truyền cho thế hệ sau thật đáng trân trọng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!