Múa khèn Mông - Nét văn hóa đặc sắc trên cao nguyên Mộc Châu

Mộc Châu không chỉ thu hút khách du lịch bởi khí hậu mát mẻ, cảnh đẹp nên thơ, mà còn từ văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa. Đó là những nếp nhà sàn truyền thống, văn hóa ẩm thực dân tộc, các điệu múa dân gian, lễ hội... trong đó, không thể không nhắc đến nghệ thuật múa khèn Mông, món ăn tinh thần luôn ấn tượng với du khách khi đến với cao nguyên Mộc Châu.

 

Nghệ nhân Mùa A Của, bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu) hướng dẫn thanh niên trong bản múa khèn.

 

Bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, nơi có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, bà con nơi đây vẫn lưu giữ được những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Tiếng khèn ở nơi đây vẫn vang lên trầm bổng khắp bản, làm say đắm lòng người. Chủ nhân của những âm thanh trong trẻo, trầm bổng, đậm nét vùng cao hùng vĩ ấy là nghệ nhân Mùa A Của. Từ bao đời nay, cây khèn đã trở thành một vật quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mông. Cũng chính bởi vậy mà anh Mùa A Của luôn trăn trở làm sao để những giá trị văn hóa ấy không bị mai một.

Anh Của chia sẻ: Muốn lưu giữ được bản sắc văn hóa dân tộc thì mình phải truyền đạt những gì mình biết cho con cháu, sau này mình già đi các cháu sẽ là người lưu truyền nó. Mỗi dịp cuối tuần, hoặc ngày nghỉ, tôi tập hợp con, cháu và thanh niên để truyền dạy những điệu múa khèn cơ bản.

Từ mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp với phát triển du lịch trên địa bàn và tình yêu dành cho cây khèn Mông, nghệ nhân Mùa A Của đã tận tình hướng dẫn, kèm dạy, chỉnh sửa cho con em trong bản từ động tác cầm khèn, cách điều tiết hơi, đến động tác múa khèn và các điệu nhạc truyền thống của người Mông, khơi dậy niềm say mê, tình yêu nhạc cụ của dân tộc mình. Nhờ đó, dù văn hóa hiện đại đang hiện diện khắp các bản vùng cao, nhưng niềm đam mê tiếng khèn với những chàng trai dân tộc Mông ở bản Tà Số 1 chưa bao giờ dứt. Khi những nghệ nhân lớn tuổi giờ đã già yếu, thì những chàng trai trẻ chính là thế hệ “tiếp lửa” cho tiếng khèn Mông mãi ngân vang. Em Mùa A Di, 15 tuổi, cho biết: Trong các dịp lễ, hội của bản, thấy các bác lớn tuổi thổi khèn, múa khèn nên em rất thích. Có chú Của hướng dẫn, em đã sử dụng cây khèn khá thuần thục. Em sẽ cố gắng học hết những bài khèn để tiếp tục gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để đồng bào dân tộc Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình. Thổi và múa khèn không chỉ thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người đàn ông dân tộc Mông, mà qua đó còn thể hiện sức sống mạnh mẽ, ý chí vươn lên, tinh thần thượng võ, gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình với bạn bè, với cộng đồng, với thiên nhiên, núi rừng và làm nên bản sắc độc đáo.

Để tìm hiểu về cách làm ra chiếc khèn Mông, chúng tôi tìm đến gặp nghệ nhân Sồng A Páo, sinh năm 1963, bản Phiêng Cành, xã Tân Lập. Nghệ nhân chia sẻ: Làm ra cây khèn tốt cần chọn các nguyên vật liệu cơ bản gồm gỗ pơ mu, cây măng dê, vỏ cây đào rừng, lá đồng, bạc trắng, thuốc lào hoặc lá cây thuốc lào, tóc rối, vỏ con ve sầu, mỡ lợn, ống tre, que nứa. Dụng cụ chế tác gồm 2 con dao, 2 dùi gọt, khoan máy, khoan tay, 2 chiếc dùi, bếp lò, dao cắt lam, cạo lam 2 đầu, đá mài, đe, búa, dụng cụ đúc đồng. Thời gian để hoàn thành thường 3 đến 5 ngày. Không phải ai cũng có năng khiếu chế tác và không phải cây khèn nào làm ra cũng thổi hay được, mà phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng chế tác khèn của nghệ nhân.

Chị Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mộc Châu, cho biết: Việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc nói chung, bảo tồn, phát triển nghệ thuật khèn Mông nói riêng được huyện quan tâm. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản trong việc truyền bá nét văn hóa cho con cháu, góp phần lưu truyền những nét văn hóa truyền thống. Hàng năm, huyện duy trì tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc, thi nhảy khèn dân tộc Mông, nhằm tạo sân chơi cho các thế hệ có dịp thể hiện, giao lưu, học hỏi, gìn giữ các múa điệu khèn.

Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thì hơn hết, đồng bào dân tộc Mông phải cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm, tạo cơ hội, động viên thế hệ trẻ tích cực học tập, gìn giữ, phát huy giá trị đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật khèn, để tiếng khèn Mông mãi vang xa.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 30/10/2024

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 30/10/2024

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao lạnh lục địa có cường độ ổn định, sau suy yếu chậm. Thời tiết: Mây thay đổi, không mưa, đêm và sáng sớm trời lạnh, vùng núi cao có nơi trời rét, ngày nắng.
  • 'Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Thời sự - Chính trị -
    Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia thảo luận tại tổ đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
  • 'Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Quốc phòng -
    Triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng đơn vị chính quy, rèn luyện kỷ luật, tạo sự chuyển biến vững chắc về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Châu đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện sát với tình hình của đơn vị, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, phong trào, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu”.
  • 'Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Kinh tế -
    Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau gần 15 năm triển khai đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn của mỗi người dân thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Ở tỉnh ta, Cuộc vận động được triển khai gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
  • 'Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    An toàn giao thông -
    Thành phố Sơn La có mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều, nhất là những tháng cuối năm, thời điểm các hộ kinh doanh tập trung vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Công an thành phố Sơn La đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.