Mùa cá ngần sông Đà

Đặc điểm của cá ngần là rất trắng, không xương, ruột bé như sợi chỉ và cũng trắng ngần, thịt dai nấu không nát, ăn rất ngọt. Cá ngần chỉ to hơn mầm giá đỗ một chút, con to nhất cũng chỉ bằng đầu đũa, sống thành từng đàn. Cá ngần sau khi đánh bắt về, rửa sạch, ướp muối súp, cho vào túi nilon, để trong ngăn đá tủ lạnh, có thể để ăn dần cả tháng.

 Cất vó vợt đánh bắt cá ngần trên hồ sông Đà.

Cứ vào khoảng tháng 5 hằng năm, hồ sông Đà lại bước vào vụ đánh bắt cá ngần - loài cá mới sinh sôi, phát triển nhanh khoảng 5 năm lại đây. Nhiều nơi còn gọi là cá nến, cá thủy tinh, cá sữa, cá bún... nhưng dù tên là gì thì chúng cũng đã trở thành đặc sản, thêm thu nhập không nhỏ cho ngư dân vùng hồ sông Đà.

Tôi về vùng hồ lần này đúng vào vụ đánh bắt cá ngần. Từ tờ mờ sáng, tiếng gọi nhau í ới, tiếng động cơ máy đẩy đã rền vang cả một khúc sông. Trước đây, bà con vùng hồ chỉ dùng vó đèn cất đêm, thu hoạch lẫn lộn với nhiều loại cá khác. Khi đó, nhiều người còn nhầm là cá hương, cá giống mới thả, hoặc mới đẻ nên mới non và trắng ngần như vậy. Để đánh bắt cá ngần, bà con tự chế ra nhiều loại dụng cụ vó vợt lớn, nhỏ. Các loại vó vợt này đều được đan bằng sợi cước để hạn chế lực cản của nước, mắt đan cỡ nhỏ bằng đầu đũa; mép vó vợt được xuyên vào hai cán tre, một đầu buộc cố định vào một đoạn cây tre dài khoảng 7m, gác chéo vào mũi thuyền, phân công người giữ thăng bằng, lấy độ nông sâu, rồi dùng máy nổ đẩy dọc theo sông thuận dòng nước chảy để xúc vớt cá ngần.

Mùa này nước khá đục do mưa lũ trên thượng nguồn đổ về, cá ngần dồn về các vũng nước lặng, được bà con đón lõng, hàng chục chiếc thuyền máy quần thảo trên hồ tựa như ngày hội đua thuyền, có mẻ xúc được gần chục ký. Gần trưa, các thuyền đánh bắt cá ngần cập bến, người già, trẻ nhỏ ra sông hỗ trợ vận chuyển các thùng, chậu, rổ rá đầy ắp cá ngần mang đi tiêu thụ. Theo anh Đinh Văn Niêm, bản Tang Lang, xã Đá Đỏ (Phù Yên) thì vụ này trung bình mỗi sáng anh đánh bắt được hơn 20kg, có hôm 30 kg, bán đổ cũng được 100 ngàn đồng/kg. Dịp này, nhiều gia đình gác lại công việc khác, đi đánh bắt cả ngày, trúng đàn cũng được cả tạ cá ngần, mang đi bán tại các chợ khu vực Vạn Yên, thị trấn Phù Yên. Nhưng do cá ngần được thị trường ưa chuộng, nên phần lớn đã được tư thương từ Hòa Bình đánh cả tàu lớn lên mua gom mang về Hà Nội bán với giá 250 ngàn đồng/kg.

Cá ngần có thể chế biến rất nhiều món, nhưng phổ biến nhất vẫn là tráng với trứng, hành, rán miếng; cho gia vị vào túm lá chuối làm mọ xôi; nấu canh chua; nặn với bột làm chả viên... nhưng ngon nhất vẫn là cá ngần tươi làm gỏi. Nếu gặp hôm nắng, đánh bắt được nhiều, bà con còn phơi khô, rán chao vàng thơm nức. Anh Đinh Văn Hoa, bản Lái Ngài, xã Chiềng Sại (Bắc Yên) phấn khởi: Cứ đến vụ cá ngần là không muốn ăn các loại cá khác. Cá ngần không tanh, dai, dễ chế biến, ngọt, thưởng thức cả tuần vẫn không chán. Còn tại nhà hàng của anh Đinh Văn Đương, bản Bãi Vàng A, mùa này lúc nào cũng có hàng tạ cá ngần phục vụ khách ăn tại quán và làm quà mang về phố huyện. Anh bảo: Trung bình mỗi ngày cũng thu lời tiền triệu.

Bởi cá ngần mới xuất hiện, chưa biết chi tiết thuộc giống cá gì, thức ăn của chúng ra sao, nên bà con vùng hồ cũng chỉ biết đến mùa là đi đánh bắt một cách tự nhiên, chứ chưa có phương án, dự án quy hoạch nuôi, nhân đàn. Đặc sản cá ngần như một món quà của sông Đà ban tặng, góp phần cải thiện đời sống, tăng thêm thu nhập đáng kể cho người dân vùng hồ.

Anh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới