Kể từ ngày 22/7/2016, cứ vào thứ 7, chủ nhật hằng tuần, 65 học viên ở độ tuổi từ 26-70 tuổi, đến từ các bản người Dao của các xã trong huyện Mộc Châu như: Tân Lập, thị trấn Nông trường, Phiêng Luông, Hua Păng... lại về bản Suối Khem, xã Phiêng Luông (Mộc Châu) để học chữ nôm Dao. Theo chương trình, khóa học kéo dài một năm rưỡi với 400 tiết học. Đây là lớp học tự nguyện nên các học viên tự đóng kinh phí để trang trải cho những việc cần thiết phục vụ việc dạy và học.
Một buổi học của lớp học chữ nôm Dao tại bản Suối Khem, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu.
Đảm trách truyền dạy chữ là ông Bàn Văn Đức, người am hiểu về chữ viết cũng như phong tục, lễ nghi của dân tộc Dao. Ông Đức cho biết: Tôi tự học chữ nôm Dao từ bé, điều gì không biết hỏi người đi trước, sau đó, tôi tham gia các cuộc hội thảo, tập huấn về chữ viết và sách cổ của người Dao do Trung tâm Vì sự phát triển bền vững miền núi (CSDM) liên kết với 9 tỉnh có người Dao phía Tây Bắc tổ chức. Qua đó, tôi học hỏi kinh nghiệm từ những thầy giáo đã dạy chữ viết ở các tỉnh khác, rồi tự sưu tầm, tìm mượn sách cổ mà những gia đình người Dao trong huyện còn lưu giữ, soạn ra 4 quyển giáo án để dạy trên lớp.
Qua trò chuyện với ông Đức được biết, chữ nôm Dao là loại chữ viết trên cơ sở chữ Hán, người Dao tiếp nhận một số từ của nôm Tày, nôm Việt, nhưng được Dao hóa (biến đổi). Chữ nôm Dao gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Dao. Tuy nhiên, hiện nay người biết đọc, biết viết chữ nôm Dao không còn nhiều. Để dạy các học viên, ông Đức đã sưu tầm, tìm hiểu nội dung, ý nghĩa trong các cuốn sách cổ của người Dao, khái quát những vấn đề chính đưa vào những quyển giáo án có tên: Xẻng Cù, Tho Khai, Sú Thồng, Trăng Quáng, với các nội dung về cội nguồn của người Dao; giáo dục con người về đạo đức, nhân nghĩa; những câu chuyện cổ, triết lý đời sống; cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình; bà con dân tộc Dao cùng đoàn kết, gắn bó, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống... Khi các học viên đọc thông, viết thạo chữ nôm Dao thì có thể tự đọc, tự ôn luyện những quyển sách cổ dùng trong những lễ nghi truyền thống như: Cấp sắc, lễ cầu mùa... và hát những bài hát xòe, bài hát đối vui trong dịp lễ, tết. Chữ nôm là một loại chữ cổ và trìu tượng nên để việc học dễ dàng hơn thì cần kết hợp giữa “học đi đôi với hành”, đó là cho học viên tham dự những nghi lễ tổ chức ở các gia đình trong bản để luyện tập.
Anh Đặng Văn Út, giáo viên Trường Tiểu học Chiềng Khoa (Vân Hồ), là học viên của lớp chia sẻ: Tôi là người Dao, nhưng chưa biết viết, đọc chữ Dao. Tôi theo học với mong muốn mình hiểu thêm về nguồn gốc dân tộc, học hỏi cách thực hiện các lễ nghi để sau này có thể tự phục vụ công việc của gia đình, đồng thời góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc Dao. Đến thời điểm này, tôi đã có thể đọc và viết được chữ nôm Dao.
Hiện, khóa học đã hoàn thành được 97% chương trình học. Số học viên có thể đọc, viết thành thạo chữ nôm Dao chiếm hơn 80%, đó là tin vui trong việc bảo tồn chữ viết của dân tộc, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, giá trị tri thức chữ nôm Dao. Tuy nhiên, để duy trì những lớp học như thế này, cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các cấp, các ngành.
Huyền Trăng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!