Xên bản là một trong những lễ hội đặc sắc của đồng bào La Ha ở huyện Thuận Châu. Đây là nghi lễ tâm linh do các thầy mo chủ trì cúng mời các vị thần canh giữ bản, thần sông, thần núi, thần thổ địa, thần cai quản ruộng nương về dự, thụ hưởng những lễ vật dân bản thành tâm dâng cúng và phù hộ cho người dân luôn khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi, bản làng yên vui, no ấm.
Ông Nguyễn Hữu Hải, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thuận Châu, cho biết: Đồng bào La Ha sinh sống chủ yếu ở các xã Liệp Tè, Noong Lay và Chiềng La, với 567 hộ dân. Xên bản là lễ hội quy mô cấp bản để cầu an và tạ ơn thần linh. Mỗi năm, đồng bào La Ha tổ chức Xên bản một lần, có thể vào đầu năm mới khi bắt đầu vào vụ gieo hạt, hoặc khoảng tháng 9 - 10 khi chuẩn bị gặt hái vụ mùa. Trước đây, lễ cúng được tổ chức từ 2 đến 3 ngày, với nhiều thủ tục, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm, nay đã được rút gọn theo hướng văn minh, tiết kiệm, nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống. Điều này thể hiện sự thay đổi tích cực trong nhận thức của nhân dân đối với việc tổ chức lễ hội, các phong tục tập quán.
Các nghi thức trong lễ Xên bản ở bản Muồng Nọi, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu.
Bản Muồng Nọi, xã Liệp Tè là nơi sinh sống của hơn 40 hộ đồng bào La Ha. Anh Quàng Văn Xôm, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Muồng Nọi, cho hay: Trước khi thực hiện lễ cúng, bà con thống nhất lựa chọn địa điểm tổ chức tại một khu đất linh thiêng của bản, có thể là ven sông, ven hồ nước lớn nhất trong bản hoặc trên cạn, nơi có mô đất cao, dưới gốc cây to. Sau khi chọn được nơi cử hành lễ cúng, đàn ông sẽ đốn những cây tre già, to để dựng một chiếc sàn giống hạn khuống của dân tộc Thái, phụ nữ sẽ phụ trách cắm “ta leo” có hình ba nhánh và trang trí cây “Sặng Bó” bằng những vật dụng tượng trưng thể hiện ước muốn sinh sôi, nảy nở, mùa màng bội thu.
Sau khi chuẩn bị chu đáo, thầy mo là chủ lễ, cùng mọi người lựa chọn những vật phẩm chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp để dâng lên, gồm: 1 con lợn đen, 3 con gà, 1 con vịt, 1 quả trứng. Mỗi mâm cúng thờ một vị thần và mâm to nhất là mâm cúng thần trời - đất. Ngoài vật phẩm được đặt chính giữa, mỗi mâm còn có 1 bát gạo, hương, nến, 2 chén rượu và một đĩa trầu cau.
Trong khi cúng, mỗi mâm lễ vật dâng lên, thầy mo sẽ đọc “tục mo” (lời cúng) khác nhau, lần lượt mời các vị thần canh giữ bản, thần sông, thần núi, thần thổ địa, thần cai quản ruộng nương, linh hồn người có công khai sáng bản mường về dự và nhận các lễ vật của bà con dân bản. Các nghi thức cúng lễ chủ yếu được tổ chức trong một buổi. Kết thúc lễ cúng, thầy mo sẽ mang bình rượu cần đến mời người dân trong bản cùng uống hưởng lộc, giao lưu ca hát, tạo không khí phấn khởi sau những ngày lao động vất vả.
Không chỉ là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống, lễ Xên bản của đồng bào La Ha còn chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Trải qua thời gian, nghi lễ tâm linh này được bà con gìn giữ và duy trì phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Thuận Châu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!