Khoai sọ chân voi - đặc sản dân tộc Dao

Dân tộc Dao ở huyện Mộc Châu và Vân Hồ thường trồng khoai sọ chân voi (còn gọi là khoai sọ Mán), được coi là đặc sản của dân tộc Dao, bởi vị thơm, độ dẻo và ngon.

 

Người dân bản Suối Lìn, xã Vân Hồ (Vân Hồ) thu hoạch khoai sọ.

 

Khoai sọ chân voi được trồng chủ yếu ở các bản người Dao của xã Tân Lập, Phiêng Luông, Hua Păng (Mộc Châu) và bản Suối Lìn, xã Vân Hồ (Vân Hồ). Củ khoai sọ này có thân củ chính phình to và mọc thêm từ 5 đến 7 nhánh nhìn giống như bàn chân voi, nên đồng bào Dao gọi là khoai chân voi. Mỗi củ khoai chân voi có trọng lượng trung bình từ 400-600 gam, có củ nặng gần 1 kg. Khoai có ruột màu vàng cốm trông bắt mắt, khoai càng già thì màu vàng càng đậm. Khoai ngon nhất là được ninh với xương lợn, ninh càng lâu khoai càng dẻo, canh khoai có độ đặc sệt vừa phải, mùi thơm dịu, khi ăn có vị ngọt, bùi. Khoai sọ chân voi khi nướng trên than củi mùi cháy cạnh của vỏ khoai cùng vị ngọt, thơm và độ bùi của khoai khiến ai cũng đều thích. Nhiều khách phương xa đến chơi nhà đồng bào dân tộc Dao, khi được nếm món khoai sọ chân voi đều rất ưa chuộng và đặt mua về sử dụng và làm quà biếu.

Khoai sọ chân voi được trồng vào tháng 1 âm lịch hằng năm và thu hoạch vào tháng 9, tháng 10 âm lịch. Khoai thường được trồng ở đất dốc sẽ thơm ngon hơn và đảm bảo chất lượng, nếu trồng ở vùng đất trũng cây lên khỏe, củ to, nhưng chất lượng khoai giảm đi nhiều, thường bị sượng. Đất trồng khoai phải là đất tơi, xốp, được cày sâu, cuốc bẫm. Khi trồng thì cuốc hố sâu khoảng 15 cm, mỗi hố chỉ lấp một mầm khoai giống, mỗi gốc cách nhau 50 cm. Người Dao trồng khoai chân voi không dùng phân hóa học mà rải tro bếp xuống hố trước khi trồng để giữ cho giống khoai không bị kiến ăn, giữ được vị ngọt tự nhiên. Sau một thời gian, cây khoai lên được 2-3 lá thì bón thêm một lượt tro bếp, kết hợp làm cỏ, vun gốc để giữ độ ẩm, giúp khoai mọc nhánh đều, củ to. Khoai đến độ thu hoạch thì những lá to sẽ héo vàng, chỉ còn vài lá xanh mới mọc, trên phần đầu cuống khoai bung lớp vỏ mỏng và chuyển sang màu vàng cốm. Đây là đặc điểm để các chủ thu mua chọn được khoai ngon.

Để những mùa sau có giống khoai đảm bảo chất lượng, người dân tộc Dao cũng có cách riêng để bảo quản giống, đó là: Sau khi lọc được khoai giống, họ đào rãnh sâu khoảng 15 cm, rải khoai giống xuống rãnh, sau đó lấp 5 cm đất mỏng lên giúp cho khoai giống được ủ trong lớp đất ẩm hoặc nếu không đào rãnh thì bà con thường để giống khoai chỗ thoáng mát, rắc tro bếp lên khoai để không bị  sâu bệnh, không bị hỏng và đến vụ năm sau đào lên, mang đi trồng.

Trước đây, người dân tộc Dao trồng vài khóm khoai sọ xen nương ngô, nương lúa để phục vụ bữa ăn hằng ngày. Nhưng nhận thấy giá trị  kinh tế của loại khoai này, từ năm 2009, khoai sọ chân voi được bà con dân tộc Dao ở bản Suối Lìn và các vùng lân cận khác mở rộng diện tích trồng làm hàng hóa, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, bà con lại chuẩn bị thu hoạch khoai. Đầu vụ, giá khoai sọ chân voi có giá 17.000 đồng/kg, đến cuối vụ là 20.000 đồng/kg. Khoai để làm giống được bán với giá 40.000 đồng/kg.

Khoai sọ chân voi không chỉ là đặc sản địa phương trong những bữa cơm, trong những ngày lễ, ngày tết mà còn mang lại giá trị kinh tế cho bà con dân tộc Dao.

Huyền Trăng (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới