Khó khăn trong xây dựng nhà văn hóa bản ở Mường É

Nhà văn hóa bản là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, học tập cộng đồng và các cuộc họp của bản. Dẫu vậy, nhiều năm qua, xã Mường É, huyện Thuận Châu mới có 2/19 bản có nhà văn hóa được xây dựng; số còn lại hầu hết là nhà tạm, đã xuống cấp, diện tích nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân; thậm chí có bản chưa có nhà văn hóa.

Nhà văn hóa bản Nà Lầu, xã Mường É (Thuận Châu) không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân.

Nằm ngay trung tâm xã, nhà văn hóa bản Nà Lầu được thiết kế kiến trúc nhà sàn 3 gian tồn tại 20 năm nay, cột nhà đã bị mối xông, sàn nhà, cầu thang bị co ngót, đã xuống cấp. Sau ghép bản, nhà văn hóa không đủ sức chứa để phục vụ hội họp cho nhân dân, bởi diện tích nhà chỉ chứa được tối đa 40 người, trong khi bản có 138 hộ dân. Mỗi lần Ban Quản lý bản triển khai công việc chung, 2/3 số dân phải đứng dưới sân, rất bất tiện, dẫn đến các cuộc họp, buổi sinh hoạt tại bản thường không mang lại hiệu quả.

Ông Lò Văn Minh, Bí thư Chi bộ bản Nà Lầu, chia sẻ: Ban Quản lý bản đã tổ chức họp bàn nhiều lần, nhưng không thống nhất được mặt bằng xây dựng nhà văn hóa, bởi sau sáp nhập 2 bản, bà con cần địa điểm quy hoạch ở vị trí trung tâm và phải được quy hoạch từ 500 m² trở lên, trong khi nền cũ chỉ rộng khoảng 400 m².

Cách trung tâm xã Mường É khoảng 10 km, bản Nặm Nòng không có nhà văn hóa. Từ trước đến nay, để triển khai công việc bản thường mượn nhà dân. Những dịp lễ, tết không có địa điểm để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Nhiều bất cập là vậy, nhưng kế hoạch kiên cố nhà văn hóa bản đang gặp khó, do 43 hộ đồng bào Khơ Mú nơi đây đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, rất khó huy động sức dân tham gia xây dựng nhà văn hóa.

Đồng chí Quàng Văn Pha, Phó Chủ tịch UBND xã Mường É, thông tin: Thực hiện lộ trình sáp nhập bản theo Nghị quyết 165/NQ-HĐND ngày 5/12/2019 của HĐND tỉnh, tới đây, 19 bản hiện tại của xã sẽ sáp nhập thành 14 bản. Tuy nhiên, để đầu tư xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao với quy mô từ 500 đến 1.000 m², hội trường có sức chứa từ 80 chỗ ngồi trở lên (Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 8/3/2011 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định) cần nguồn kinh phí vài trăm triệu đồng/nhà, trong khi nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới còn hạn hẹp. Là xã vùng 3, bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo cao, vừa thiếu nguồn lực, vừa thiếu quỹ đất nên quy hoạch mặt bằng xây dựng nhà văn hóa rất khó khăn...

Đồng chí Nguyễn Hữu Hải, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thuận Châu, cho biết: Giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Thuận Châu có kế hoạch xây dựng 25 nhà văn hóa bản từ nguồn kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135). Riêng quý 4 năm nay, nhà văn hóa bản Kiểng - một trong những bản trung tâm của xã Mường É đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn, bên cạnh việc tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án, từ các tổ chức, cá nhân và đóng góp của nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã Mường É cần tích cực đối thoại, tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao, hướng tới hoàn thiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới