Ngày 28/8/1945, trong tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Việt Nam, Bộ Thông tin-Tuyên truyền (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) được thành lập. 74 năm qua, các thế hệ cán bộ của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cả nước nói chung, ngành VH,TT & DL Sơn La nói riêng luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào quá trình giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.
Ra quân tuyên truyền phòng, chống ma túy tại huyện Vân Hồ.
Bám sát sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La đã triển khai tốt các hoạt động: Tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ kịp thời các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh. Đồng thời, Ngành đã tăng cường phối kết hợp với các ban ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; thực hiện công tác lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật xòe Thái” trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại; lập hồ sơ khoa học Nghi lễ Kin Pang Then của người Thái trắng tại huyện Mai Sơn; tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên truyền đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”. Bên cạnh đó, các lĩnh vực hoạt động chuyên ngành được thực hiện tốt, toàn tỉnh có 63 di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong đó, 1 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích cấp quốc gia và 46 di tích cấp tỉnh, từ đầu năm đến nay, tổ chức phục vụ khách thăm quan tại Bảo tàng tỉnh và các di tích trong tỉnh hơn 178.800 lượt người, 64 cuộc giáo dục truyền thống, thu hút 13.520 lượt giáo viên, học sinh, sinh viên, tân binh tham gia. Sưu tầm 244 cuốn tài liệu địa chí, phục chế 8.000 cuốn sách; chiếu phim 990 buổi phục vụ hơn 198 nghìn lượt người xem; biểu diễn 48 buổi nghệ thuật phục vụ 90.000 lượt người xem; đón hơn 234.000 lượt bạn đọc đến thư viện; tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động của 33 chi nhánh, trạm sách của Thư viện tỉnh; phối hợp tổ chức 42 cuộc tuyên truyền, triển lãm giới thiệu sách và phục vụ lưu động cho bạn đọc ở cơ sở thông qua xe ô tô thư viện đa phương tiện. Tổ chức thông tin cổ động 1.150 buổi, 3 cuộc triển lãm với các chuyên đề: “Vượt ngục 1943”;“Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc”;“Sơn La thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới”. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình thu được kết quả tích cực, góp phần ổn định tư tưởng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.
Thực hiện Quyết định số 681 ngày 8/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong 10 năm qua (2009-2019) phong trào, hoạt động văn hóa cơ sở đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, chú trọng và được cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tích cực hưởng ứng. Các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, truyền học đạo trái pháp luật từng bước được đẩy lùi, góp phần làm trong sạch môi trường văn hóa, tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phát triển toàn diện và bền vững. Việc xây dựng các hương ước, quy ước với những nội dung mới theo hướng văn minh, tiến bộ đã có tác động tích cực tới việc gìn giữ và phát triển nền văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp tại cộng đồng dân cư. Các hộ gia đình, dòng họ, bản, tiểu khu tích cực tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc dân tộc.Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, hạn chế được các hủ tục lạc hậu, gây lãng phí tiền của, tốn kém công sức, thời gian của một số dân tộc như Mông, Dao... Các lễ hội được tổ chức đúng nghi lễ, trang trọng, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống. Hoạt động văn hóa văn nghệ ở các bản, tổ, tiểu khu; xã, phường, thị trấn có những chuyển biến tích cực, phong trào phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng, các liên hoan, hội thi, hội diễn... thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 3.300 đội văn nghệ quần chúng tổ chức hoạt động thường xuyên, ước tính trung bình mỗi năm đạt trên 4.000 buổi hoạt động. Đồng thời, hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư ngày càng hoàn thiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, bản, tiểu khu và duy trì hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng công tác tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tính đến nay, toàn tỉnh có 2.026 nhà văn hóa tỉnh, huyện, xã, bản, tổ, tiểu khu, phát huy hiệu quả trong phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của nhân dân.
Biểu diễn kết quả xây dựng đội văn nghệ mạnh tại xã Nà Bó, huyện Mai Sơn.
Phát huy truyền thống 74 năm xây dựng và phát triển, bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La tiếp tục tăng cường sự phối, kết hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội trong thực hiện nhiệm vụ phát triển sự nghiệp các lĩnh vực chuyên ngành. Chú trọng đầu tư, nâng cao số lượng, chất lượng, hiệu quả xã hội trong việc tham mưu tổ chức hoạt động VHTT&DL; các sự kiện văn hoá phục vụ nhiệm vụ chính trị của Trung ương, của tỉnh và nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch, tranh thủ tối đa nguồn lực đầu tư của Trung ương, địa phương và trong nhân dân. Tiếp tục thực hiện việc trùng tu, tôn tạo và bảo tồn một số di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Tăng cường giao lưu, hợp tác với các tỉnh trong khu vực, với cả nước và giao lưu quốc tế, đặc biệt là giữa Sơn La với các tỉnh Bắc Lào; các tỉnh Tây Bắc mở rộng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!