Là một trong những chi hội chuyên ngành của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh, với nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy vốn văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc, những năm qua, các hội viên Chi hội văn nghệ dân gian đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, tích cực sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc các dân tộc.
Hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh nghiên cứu văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc.
Chi hội Văn nghệ dân gian thành lập năm 2014, hiện có 17 hội viên. Hầu hết các hội viên đều là hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Chi hội hoạt động trong lĩnh vực sáng tác thơ song ngữ, dịch thuật và sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, như: Thái, Mông, Mường, Dao, Sinh Mun, Khơ Mú... Những năm qua, Chi hội đã bám sát kế hoạch hoạt động văn học, nghệ thuật của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh để triển khai nhiệm vụ, kế hoạch của Chi hội; vận động hội viên tích cực tìm tòi, sáng tạo, tham gia các chương trình nghiên cứu, tìm hiểu, dịch thuật, nhằm bảo tồn các giá trị, nét đẹp văn hóa có nguy cơ bị mai một của các dân tộc trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến tới hội viên sáng tác các tác phẩm tham dự các cuộc vận động sáng tác theo chủ đề như: “Ngã ba Cò Nòi Anh hùng - tầm vóc và giá trị lịch sử”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chung tay xây dựng nông thôn mới... Ông Đinh Văn Liển, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho biết: Để nâng cao chất lượng tác phẩm, các hội viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật. Ngoài ra, Chi hội còn vận động hội viên tham gia các trại sáng tác văn học, thơ song ngữ, đi thực tế tại một số địa phương trong tỉnh để khai thác nguồn tư liệu, khơi nguồn cảm hứng sáng tác.
Được biết, Chi hội đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuốn sách của hội viên được Trung ương Hội, tỉnh tặng giải thưởng và in ấn, phát hành, như các tác phẩm: Những thể loại hát dân ca của dân tộc Thái, Phương ngôn tục ngữ dân tộc Thái của tác giả Hoàng Trần Nghịch. Tác giả Lò Văn Lả phiên âm và dịch ra tiếng Việt 29 tập truyện kể và thơ dân tộc Thái, chuyển cho hơn 20 người tham gia dạy chữ Thái ở các bản, xã trên địa bàn tỉnh. Chuyện thơ Phỏng tác dân gian Thái vùng Tây Bắc - Việt Nam (tập 1, 2, 3) của tác giả Lò Thanh Hoàn... Riêng năm 2019, các hội viên đã sáng tác 8 tác phẩm thơ song ngữ, 14 công trình sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật, như: Tìm hiểu về chữ Thái cổ tượng hình trong dân gian chữ Thái cổ của tác giả Hoàng Trần Nghịch; Xên Chuông (cúng tình yêu của dân tộc Thái) của tác giả Cà Chung; chuyện thơ Tòng Đón - Ăm Ca của tác giả Lò Bình Minh; chùm thơ song ngữ Mường - Việt Gặp em bên Tượng đài Cò Nòi của tác giả Đinh Liển; thơ song ngữ Mông - Việt xây dựng nông thôn mới của tác giả Mùa A Phềnh... Nội dung các tác phẩm tập trung chủ yếu phản ánh về mảnh đất và con người Sơn La trong công cuộc đổi mới; tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh... Một số công trình nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian được phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, đăng trên tạp chí Suối Reo; nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật, tập thơ song ngữ được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam hỗ trợ kinh phí xuất bản thành sách... là nguồn tư liệu quý giá góp phần lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc Sơn La.
Thời gian tới, Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc Sơn La, nhất là các dân tộc ít người, như: Kháng, La Ha, Sinh Mun... Hoàn thành tốt các công trình sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật của từng hội viên, nhóm hội viên, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ dân gian của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Lựa chọn những công trình chất lượng đăng ký tham gia dự các trại sáng tác, gửi xét giải thưởng hằng năm đến các cấp hội chuyên ngành của tỉnh, trung ương. Đồng thời, tìm kiếm và giới thiệu những người am hiểu, yêu thích công tác sưu tầm, nghiên cứu dịch thuật văn học nghệ thuật các dân tộc để đề nghị Hội Liên hiệp VHNT tỉnh xét kết nạp hội viên mới; tham mưu cho Hội Liên hiệp VHNT tỉnh phối hợp với các cơ quan truyền thông giới thiệu, quảng bá các công trình nghiên cứu, tác phẩm của hội viên trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, trung ương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!