Xuất phát từ niềm đam mê dệt vải khít (vải thổ cẩm), chị Lường Thị Nhung ở bản Pán, xã Chiềng Ly (Thuận Châu) thành lập cơ sở sản xuất vải thổ cẩm. Sản phẩm của cơ sở có mẫu mã đa dạng, mang đậm nét truyền thống dân tộc, văn hóa của người Thái, lần đầu tiên tham gia thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lần thứ 3, năm 2017, sản phẩm vải thổ cẩm của cơ sở được bình chọn là 1 trong 21 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Cơ sở sản xuất vải thổ cẩm của chị Lường Thị Nhung, bản Pán, xã Chiềng Ly (Thuận Châu).
Chúng tôi đến cơ sở sản xuất vải thổ cẩm của chị Nhung vào những ngày đầu năm mới, ấn tượng với hình ảnh người phụ nữ Thái dịu dàng, mải miết bên khung cửi, đắm mình vào hoa văn, họa tiết tinh xảo trên những tấm vải thổ cẩm... Chị Nhung chia sẻ: Vải thổ cẩm là sản phẩm của nghề dệt cổ truyền của phụ nữ dân tộc Thái. Trước đây, các cô gái Thái trước khi về nhà chồng phải biết dệt thổ cẩm và thêu thùa, phải tự tay làm tặng bố, mẹ chồng một bộ chăn đệm và có một chiếc khăn piêu tặng mẹ chồng. Qua bao đời nay vải thổ cẩm là thứ không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của người Thái, là biểu tượng của văn hóa Thái. Bởi vậy, từ bé, tôi đã được các bà, các mẹ, các chị dạy nghề dệt thổ cẩm và dần đam mê theo thời gian. Ngày nay, kinh tế thị trường đã phát triển, thổ cẩm đã có mặt trên thị trường, thậm chí nó còn được người tiêu dùng ở các thành phố yêu thích, xuất phát từ lý do này, năm 2008, gia đình tôi đã mở cơ sở dệt thổ cẩm với mong muốn quảng bá thương hiệu và giữ gìn bản sắc truyền thống của dân tộc, tạo được việc làm cho nhiều lao động là phụ nữ trong bản.
Góp vui vào câu chuyện, chị Lường Thị Biên, người nhiều năm gắn bó với cơ sở sản xuất vải thổ cẩm của chị Nhung thật thà: Ngày trước dệt theo kiểu truyền thống nên số lượng vải thổ cẩm làm ra không nhiều, chủ yếu đáp ứng nhu cầu cá nhân. Nay có máy móc hỗ trợ, số lượng tăng gấp nhiều lần. Tuy nhiên, để cạnh tranh với vải thổ cẩm sản xuất công nghiệp trên thị trường, chị em chúng tôi phải thường xuyên nghiên cứu, thu thập, sàng lọc, bổ sung các mẫu hoa văn, màu sắc để phù hợp với từng đối tượng, vùng miền. Chúng tôi luôn giữ phong cách truyền thống của thổ cẩm Thái cổ, một tấm vải thổ cẩm là sự thể hiện quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của cuộc sống, triết lý âm dương, hoa đực, hoa cái, con trống, con mái, đất trời cùng vạn vật; những hình thoi, quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu, những chùm hoa buông dài như xà tích, lá đơn, lá kép, búp cây, dây leo... tất cả như thế giới thu nhỏ. Nhờ đó, sản phẩm của cơ sở được nhiều người biết đến và ưa chuộng.
Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, lúc mới thành lập cơ sở chỉ có 2 máy dệt thổ cẩm bán công nghiệp, sản phẩm lúc đó chủ yếu phục vụ nhu cầu của bà con trong xã và vùng lân cận. Với chất lượng và mẫu mã, màu sắc phong phú, đa dạng, sản phẩm vải thổ cẩm của cơ sở ngày càng được nhiều người biết đến và ưa chuộng. Gia đình chị Nhung đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để mở rộng cơ sở sản xuất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hiện nay, cơ sở có 6 máy dệt thổ cẩm bán công nghiệp, 2 máy dệt thổ cẩm công nghiệp. Bình quân mỗi ngày cơ sở sản xuất được trên 1.500 m vải thổ cẩm cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Yên Bái... cơ sở cũng đã tạo được việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập 3 triệu đồng người/tháng, lợi nhuận mỗi năm từ 250 - 300 triệu đồng.
Chia tay chúng tôi, chị Nhung bật mí: Thời gian tới gia đình tiếp tục đầu tư trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi mẫu mã sản phẩm vải thổ cẩm trên cơ sở những mô tuýt truyền thống, kết hợp với những nét hiện đại tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, nghiên cứu thành lập hợp tác xã để phát triển bền vững và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!