Sơn La - miền đất sinh sống của 12 dân tộc anh em đoàn kết, gắn bó, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch của tỉnh ngày càng hội nhập và phát triển.
Lễ hội Hết Chá, xã Đông Sang (Mộc Châu).
Tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết TW5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tỉnh ta đã chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ gìn, phát huy bản sắc giá trị văn hóa các dân tộc, khôi phục và phát triển các lễ hội truyền thống, đưa văn hóa các dân tộc Sơn La tiến xa hơn đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Cuối năm 2015, sau khi nghệ thuật xòe Thái chính thức được Bộ Văn hóa -TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ngành Văn hóa -TT&DL tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát, sưu tầm tại các cơ sở, lựa chọn từ hơn 3.000 điệu xòe, động tác xòe cơ bản lưu truyền trong các bản làng để tổng hợp, chọn 6 động tác xòe cơ bản xây dựng thành văn hóa xòe Sơn La để phổ cập rộng rãi. Tại Lễ hội hoa ban Thành phố và xã Chiềng Khoa (Vân Hồ), nghệ thuật văn hóa xòe Sơn La đã được hàng nghìn nam, nữ diễn viên không chuyên thể hiện thuần thục với quy mô hoành tráng nhất từ trước tới nay, gây ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng và du khách.
Từ năm 2000 trở lại đây, Tết độc lập trên cao nguyên Mộc Châu không chỉ là ngày tết truyền thống của riêng đồng bào dân tộc Mông mà đã trở thành ngày hội văn hóa của nhân dân các dân tộc Sơn La, được duy trì đều đặn hằng năm, được tổ chức với quy mô lớn và đa dạng hóa các loại hình sinh hoạt văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm cỡ cấp tỉnh, khu vực và cấp vùng, để lại nhiều dấu ấn và sự ngưỡng mộ của du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó, hàng trăm lễ hội truyền thống tiếp tục được sưu tầm, phục dựng để bảo tồn và phát triển, như: Kin-Pang-Then; lễ hội Gội đầu; Nào sồng; Xên bản, Xên mường; Mừng cơm mới; Xíp xí; Cầu mưa; Cấp sắc; Gieo hạt; Mợi; Mương a mạ, Xên pang a... góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Gần đây nhất, huyện Yên Châu đã tổ chức thành công Ngày hội xoài Yên Châu năm 2017, thu hút đông đảo du khách thập phương về dự, thưởng thức những trái xoài thơm ngọt riêng có của vùng đất Yên Châu, hiện đang được khảo sát, kiểm định, quy hoạch vùng trồng xoài để xuất khẩu ra nước ngoài.
Ngoài lễ hội, các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh cũng góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Thông qua Trung tâm Văn hóa tỉnh, Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Sơn La, các đội văn nghệ quần chúng đã chuyển tải, quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước những nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc các dân tộc của Sơn La. Việc xây dựng các điểm du lịch cộng đồng còn khuyến khích người dân gìn giữ những nếp nhà truyền thống, các phong tục, tập quán tốt đẹp, văn hóa ẩm thực dân tộc có cơ hội trở thành sản phẩm hàng hóa đem lại thu nhập cho người dân, như: Rượu cần, rượu men lá, pa pỉnh tộp, mọ tu cáy, nhứa dảng, cơm lam, cốm, bánh dầy, thắng cố, cá ống tre... là những món ăn ngon, lạ, hấp dẫn du khách. Nhiều sản phẩm mang đậm bản sắc như: Khăn piêu, váy áo cóm Thái, váy áo hoa văn sặc sỡ của đồng bào Mông không những được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn vươn ra bạn bè quốc tế bởi vẻ đẹp quyến rũ và sự tinh tế riêng có của nó. Còn nữa, khèn bè, tính tẩu, sáo Mông dìu dặt, lời đang, câu khắp... đậm chất văn hóa vùng miền, cuốn hút lòng người, níu chân du khách thập phương...
Có thể nói, Sơn La đang sở hữu những giá trị văn hóa vô cùng đa dạng và phong phú của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc. Các tài nguyên du lịch hấp dẫn ấy đã và đang góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!