Giữ gìn bản sắc văn hóa ở các trường dân tộc nội trú

Những năm qua, cùng với việc dạy kiến thức văn hóa, chăm lo đời sống vật chất cho học sinh, các trường nội trú trong tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động phong trào để giúp các em giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mình. Toàn tỉnh hiện có 11 trường phổ thông dân tộc nội trú tại 11 huyện và Trường PTDT nội trú tỉnh, với trên 5.000 học sinh các dân tộc: Kháng, Khơ Mú, Mông, La Ha, Xinh Mun, Thái, Tày.

 

Học sinh Trường PTDT Nội trú tỉnh duy trì việc mặc trang phục truyền thống dân tộc.

 

Tới Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh vào ngày thứ hai đầu tuần, ấn tượng là những bộ trang phục dân tộc của các em học sinh sặc sỡ đa sắc màu, mỗi dân tộc một vẻ đẹp riêng, như màu đỏ, xanh, trắng chủ đạo của trang phục Mông; sắc đen chàm của trang phục Tày, La Ha; những trang phục dân tộc Thái thanh thoát áo cóm; những bộ váy, áo pắn của dân tộc Mường... Quy định của nhà trường yêu cầu học sinh phải có trang phục của dân tộc mình vào thứ hai chào cờ đầu tuần, vào những ngày lễ, những sự kiện quan trọng của trường, ngành, địa phương. Coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua giữa các lớp.

Em Thào Thị Pàng, học sinh lớp 12C, Trường PTDT Nội trú tỉnh, bày tỏ: Em thấy vui và tự hào khi mặc bộ trang phục truyền thống dân tộc Mông vào dịp những ngày lễ và quy định của nhà trường, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Năm học 2021-2022, Trường PTDT Nội trú tỉnh có 18 lớp, gần 600 học sinh; là cơ sở giáo dục dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được nhà trường đặc biệt chú trọng. Thầy giáo Lưu Văn Khải, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường luôn tạo điều kiện để các em được thể nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và tiếp xúc với các giá trị văn hóa của dân tộc khác. Trường còn tổ chức các hoạt động tìm hiểu, giao lưu văn hóa để học sinh được trao đổi học tập và cùng tham gia vào việc gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc.

Tại Trường PTDT Nội trú huyện Yên Châu có 305 học sinh; trong đó, dân tộc Mông và dân tộc Thái chiếm đa số. Cô giáo Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Ngay từ khi tuyển sinh đầu cấp, nhà trường đã yêu cầu mỗi học sinh chuẩn bị trang phục truyền thống của dân tộc và mặc vào các buổi sáng thứ 2 hằng tuần và các ngày nhà trường tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ nhân dịp các ngày lễ kỷ niệm lớn trong năm với các trò chơi truyền thống của dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng, trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Việc giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống cho học sinh dân tộc thiểu số đã được nhân rộng tại các trường phổ thông DTNT trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, các trường đều xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc, nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản, những hiểu biết về vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; tổ chức hoạt động trưng bày, giới thiệu về các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ đặc sắc của các địa phương...

Các trường cũng tích cực truyền dạy các giai điệu, nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc, như: Khèn môi, khèn lá, sáo Mông, đàn tính; các làn điệu dân ca của người Dao, Mường và Thái; nghề thêu và in hoa văn bằng sáp ong trên vải của dân tộc Mông… Duy trì các câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa dân tộc ở các trường học. Các nhà trường định hướng cho học sinh gìn giữ nét văn hóa dân tộc qua hình thức tích hợp các môn học: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân trong chương trình giáo dục kỹ năng sống.

Bằng việc giáo dục văn hóa, giáo dục kỹ năng sống kết hợp với việc đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vào trong tiết học, từng hoạt động của các trường học đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới