Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Thái

Vùng đất quần cư lâu đời của đồng bào dân tộc Thái, với nhiều nét văn hóa đặc sắc, những năm qua, huyện Yên Châu đã triển khai nhiều cách làm, mô hình hay để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Thái.

 

Thành viên CLB “Mô hình nét đẹp khăn Piêu” xã Viêng Lán (Yên Châu) hướng dẫn múa khăn piêu cho hội viên trẻ.

 

Nằm trong dòng chảy của văn hóa dân tộc Thái nói chung, trên địa bàn huyện Yên Châu lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với những điệu khắp Thái, vòng xòe, khăn Piêu hay trang phục dân tộc, tạo nên hồn cốt đậm đà sắc thái dân tộc. Chiềng Pằn, nơi được coi là “cái nôi” của việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc Thái Yên Châu. Nơi đây, nhiều nghệ nhân am hiểu văn hóa Thái đã và đang nỗ lực lưu truyền, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.

Bà Lò Thị Xuân, bản Boong Xanh, xã Chiềng Pằn, Chủ nhiệm CLB “Yêu văn hóa Thái cổ Mường Vạt - Yên Châu”, chia sẻ: Hiện nay, CLB có 60 thành viên là những người yêu, am hiểu văn hóa Thái của xã Chiềng Pằn, Chiềng Đông, Viêng Lán, Sặp Vạt và thị trấn Yên Châu. CLB là nơi tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, truyền dạy hát Thái và tổ chức dạy thêu khăn Piêu, dệt vải cho con cháu.

Các thành viên tham gia CLB tự nguyện, với nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng đam mê với văn hóa dân tộc Thái. Đây không chỉ là những thành viên tâm huyết, trách nhiệm, mà còn là những người có khả năng sử dụng, biểu diễn các loại nhạc cụ, trình diễn các làn điệu dân ca, kể các câu truyện cổ, trường ca của người Thái. Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái được các thành viên sưu tầm, phục dựng, biểu diễn... Cùng với đó, CLB còn chú trọng bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái, với nhiều sản phẩm, như khăn piêu, váy, áo cóm, gối, chăn... không chỉ phục vụ cuộc sống hàng ngày mà còn bán ra thị trường, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống về vật chất của người dân, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Cùng chung mục đích giữ gìn nét đẹp của văn hóa Thái, truyền dạy cách làm khăn piêu cho các thế hệ con cháu, tháng 7 vừa qua, Hội LHPN xã Viêng Lán đã thành lập CLB “Mô hình nét đẹp khăn piêu”. Chị Hoàng Thị Trường, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Viêng Lán, Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: Khăn piêu là một món đồ không thể thiếu đối với người phụ nữ Thái Yên Châu. Từ khi còn bé, đến lúc trưởng thành, con gái Thái được người mẹ dạy cho cách thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn. Tuy nhiên, hiện nay giới trẻ nhiều em không biết cách làm khăn piêu. Với mục đích truyền dạy nét đẹp truyền thống chiếc khăn piêu hiện chúng tôi đang truyền dạy cho gần 20 bé gái cách thức thêu khăn piêu truyền thống. Ngoài ra, còn hướng dẫn các điệu múa truyền thống liên quan đến khăn piêu để các em thêm yêu văn hóa của dân tộc mình. CLB “Mô hình nét đẹp khăn Piêu” là mô hình điểm của Hội LHPN huyện triển khai tại xã Viêng Lán và nhân rộng trong thời gian tới.

Ông Vì Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Để bảo bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn, huyện chỉ đạo các xã thành lập các CLB, mô hình lưu giữ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Thái. Cùng với đó, quan tâm hỗ trợ, duy trì và phát huy hiệu quả hơn 180 đội văn nghệ tại các bản, là hạt nhân quan trọng để lưu giữ, bảo tồn và phát huy những  làn điệu bài dân ca, hát ru, hát giao duyên của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn.

Với tình yêu, tinh thần trách nhiệm và những mô hình, cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Thái, là mạch nguồn tiếp nối cho các thế hệ để văn hóa dân tộc Thái sống mãi với thời gian.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới