Mở cửa đón ánh nắng xuân vào nhà. Sương sớm vẫn lảng bảng trước ngõ. Những nụ đào rừng tựa những đốm lửa nhỏ ở dãy núi trước cửa, cùng với những chồi biếc vừa cựa mình thức giấc bật ra khỏi da thân cây xù xì, mốc thếch để đón ánh xuân. Khúc giao mùa đã bắt đầu.
Gói bánh chưng ngày tết.
Chuẩn bị vài thủ tục buổi sáng, tôi sang nhà bác trưởng xóm để tham gia mổ lợn. Dãy xóm tôi có trên chục hộ, mỗi nhà đều có người tham gia “đại tiệc” tất niên. Tiếng lợn kêu eng éc vang xóm. Đàn ông tay dao tay thớt; chị em chuẩn bị rổ rá, tất bật rửa lá dong, chẻ lạt, đãi đỗ xanh... chuẩn bị gói bánh chưng chung cho cả xóm.
Bỗng nhớ lại cái Tết thời bao cấp! Chẳng riêng gì gia đình tôi, cuộc sống của nhiều gia đình bấy giờ gắn liền với hai chữ "cơ hàn". Hồi đó, để có thực phẩm cho mấy ngày Tết không phải nhà nào cũng có thể sắm được. Thời buổi khó khăn, thiếu đói thì cả xóm hạ quyết tâm lắm mới đụng lợn để mấy ngày xuân được “ngập chân răng”.
Ngày đó, cuộc đụng lợn diễn ra từ tờ mờ sớm ngày 30 Tết. Trong ánh đèn pin chập chờn, mưa phùn, gió bấc, người lớn xúm vào vừa dội nước sôi, vừa cạo lông lợn. Chúng tôi còn bé, chẳng biết làm gì nhưng cũng dậy sớm chạy loanh quanh xem người lớn mổ lợn. Sướng nhất là khi cỗ lòng lợn chín được chia cho từng nhà, nồi nước xuýt cũng được chia đều, cảm giác vị ngon thơm của nước mỡ nhớ tận tới bây giờ. Cuộc sống giờ đã đủ đầy, đụng lợn bây giờ không phải do nghèo khó, dường như đó là việc để nhớ lại những ký ức xưa cũ.
Nhớ nhất thời điểm nhà tôi... “sắp giàu”. Chiều 27 Tết năm ấy, sau chuyến làm ăn xa, bố tôi chắt chiu mua được cái tivi đen trắng cũ ai đó nhượng lại. Khoảnh khắc ông về đến cổng, tôi và em trai vỡ òa vui sướng vì từ giờ trong nhà đã có một món đồ “xa xỉ”, nó cũng như biểu tượng của sự khá giả ngày ấy. Hôm ấy, chúng tôi tự nhiên chăm chỉ hơn mọi ngày, hăng hái dọn dẹp thật sớm để tối còn thưởng thức cái tivi mà lần đầu tiên trong đời được xem. Món đồ “xa xỉ” ấy được phủ tấm khăn voan trắng và đặt ở vị trí trang trọng trên nóc tủ ly. Biết nhà tôi có tivi, đám trẻ hàng xóm ríu rít chạy sang xem. Chúng tôi, đứa nào mắt cũng tròn xoe dán vào cái màn hình đen trắng “đầy ruồi” để xem chương trình “Bông hoa nhỏ”.
Ngày ấy, Tết về khiến bọn trẻ con chúng tôi rộn ràng trong lòng. Mấy đứa con gái thì khoe quần áo mới; còn tụi con trai chúng tôi mải bận bịu với súng diêm, bánh pháo, đánh đáo bằng đồng xu... Thị xã nghèo ngày đó cũng náo nhiệt hẳn lên, tiếng pháo nổ đì đùng, tiếng lợn kêu khắp nơi, khiến chúng tôi quên cái lạnh sương muối của miền núi Tây Bắc như cắt da cắt thịt.
Ngày 30 Tết, bố tôi làm mâm cơm cúng tất niên, chúng tôi mỗi người một việc. Tôi thì phụ bố vớt bánh chưng, thằng em tôi lẽo đẽo theo mẹ. Cái bếp nhỏ siêu vẹo của gia đình tôi rộn ràng hẳn. Thời ấy, để làm mâm cơm tất niên đầy đủ khó lắm. Xóm tôi chẳng nhà nào khá giả cả, nhưng tình làng nghĩa xóm luôn chan chứa đầy ắp, nhất là những ngày cận Tết. Nhà ai có món gì ngon, đều chia sẻ cho hàng xóm cùng thưởng thức. Háo hức nhất là đám trẻ con, chỉ mong sao giao thừa đến sớm để được nhận lì xì và mong ngày Tết kéo thật dài để còn vui chơi...
“Sao thần mặt ra thế?”. Tiếng bác trưởng xóm đã kéo tôi trở về thực tại. Tiếng loa đầu ngõ cất lên câu hát khiến cả xóm thêm rộn ràng, hào sảng: ... Tết Tết Tết Tết đến rồi... Tết đến trong tim mọi người...
Năm nào cũng vậy, cứ nghĩ về những ngày giáp Tết với vô vàn cảm xúc. Với tôi, Tết như tiếng gọi chứa chan biết bao yêu thương, cảm xúc đẹp đến nao lòng. Bởi Tết về, mang niềm vui sum họp, đoàn viên, điều mà trong những ngày hối hả, công việc bộn bề chẳng mấy khi có được.
Mọi việc của xóm hoàn tất, tôi lượn một vòng Thành phố. Màu đỏ của hoa đào, hoa mận trắng tinh khôi khoe sắc như xua tan cái giá lạnh của gió đông. Người người ngược xuôi sắm Tết. Không khí Tết len lỏi khắp phố phường, gợi nhớ bao hoài niệm, cảm xúc. Cứ nói trẻ con mới mong ngóng Tết, nhưng tôi tin sâu thẳm trong tâm hồn, ai cũng háo hức chẳng khác nào thuở ấu thơ.
...Mừng ngày Tết phố xá đông vui...
Trong dòng người tấp nập ngày Tết, dường như không ai vội vàng nữa, cảm giác yên bình đến lạ kỳ. Giây phút thiêng liêng đã điểm. Chúng ta hãy lắng lòng cầu an cho gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Cầu mong đại dịch Covid-19 bị đầy lùi, để người người chung vui, trọn vẹn Tết đoàn viên của dân tộc Việt.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!