Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Bác khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh ta được thể hiện rõ nét qua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội; cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.
Gia đình chị Nguyễn Thị The, tổ 8, phường Quyết Thắng (Thành phố)
đạt danh hiệu gia đình văn hóa nhiều năm liền.
Ảnh: Thủy Ngân
Thực hiện công tác gia đình, hằng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã chỉ đạo phát động phong trào ký kết thi đua xây dựng cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn, bản, tiểu khu, gia đình văn hóa. Đồng thời, tuyên truyền đến các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện bình đẳng giới, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình; các biện pháp, kinh nghiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình; những kiến thức về hôn nhân và gia đình.
Cùng với đó, tỉnh Sơn La xây dựng 142 mô hình phòng, chống bạo lực bạo gia đình (112 mô hình theo chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 30 mô hình hoạt động độc lập), 336 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 336 nhóm phòng chống bạo lực gia đình. Hằng quý, các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình duy trì sinh hoạt, định kỳ, ngoài ra còn tổ chức sinh hoạt lồng ghép trong các buổi họp thôn, bản, tổ dân phố..., hoạt động của các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người dân về chuẩn mực đạo đức trong gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc; ý thức phòng, chống bạo lực gia đình...
Qua đánh giá, năm 2018, tỉnh Sơn La có 178.841 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá, bằng 65,78%, góp phần thúc đẩy xây dựng 1.217 bản, tổ dân phố, 1.755 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt chuẩn văn hóa. Thành viên trong các gia đình văn hóa luôn thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, có trách nhiệm nuôi dạy con cái học hành chăm ngoan, hiếu thảo với bố mẹ, ông bà... các phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”, “Gia đình hiếu học” ngày càng nhân rộng.
Phong trào thi đua lao động sản xuất, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo cũng được các gia đình hưởng ứng sôi nổi. Nhiều hộ tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; nhiều mô hình kinh tế trang trại được hình thành, nhiều ngành nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ, có nhiều hộ thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Hừa, bản Hua Đán, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, với mô hình trồng nhãn, chăn nuôi gia súc thu hơn 1,2 tỷ đồng/năm; hộ ông Nguyễn Bá Thành, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn ứng dụng công nghệ cao vào trồng cây ăn quả thu 3 tỷ đồng/năm; hộ ông Lê Danh Phúc, bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã trồng nhãn thu trên 1 tỷ đồng/năm; hộ bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc HTX rau an toàn bản Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu) trồng 1,5 ha rau, thu lãi khoảng 600 triệu đồng/năm, ngoài ra còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với mức tiền công 4 triệu đồng/người/tháng; hộ ông Nguyễn Xuân Thọ, chủ trang trại nuôi bò sữa ở tiểu khu Mía Đường, thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, với 2 ha mận hậu, 4.000 m² chè Ô long và 28 con bò sữa, thu bình quân trên 1,5 tỷ đồng/năm....
Phụ nữ bản Buổn, phường Chiềng Cơi (Thành phố) chia sẻ kinh nghiệm chăm lo hạnh phúc gia đình.
Ảnh: Thủy Ngân
Ngày Gia đình Việt Nam năm nay với chủ đề“Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”gắn với các thông điệp: Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Xây dựng môi trường văn hóa gia đình - cộng đồng - xã hội an toàn, lành mạnh; Yêu thương và Chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình; Ông bà, cha mẹ mẫu mực - Con cháu thảo hiền; Tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình; Gia đình là cội nguồn sức mạnh, thành trì quan trọng nhất của mỗi con người; Gia đình - tổ ấm nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục những con người khỏe mạnh để xây dựng đất nước, nhắc nhở mọi người hãy nâng niu mái ấm gia đình, dành thêm thời gian quan tâm, chăm lo cho gia đình, người thân, lắng nghe nhau, hỏi thăm nhau sau mỗi cuối ngày làm việc và học tập.
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Điều đó cũng khẳng định qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình vẫn là nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, từ chủ đề cho đến khẩu hiệu hành động của Ngày Gia đình Việt Nam đều hướng tới mục đích xây dựng một gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!